NĂM MÃO NÓI CHUYỆN MÈO
CON MÈO
NĂM TÂN MÃO - 2011
莘 卯 年
chuùc möøng naêm môùi
X U AÂ N
TAÂN MAÕO – 2011
Mèo ơi ngấp ngó nhìn ai
Ra nhanh chúc tết cùng mai với đào
Nhân dịp năm Tân Mão 2011 xin gửi đến các bạn bài viết " Chuyên Mèo năm Mão" của anh :
NGÔ VĂN BAN
HỘI VIÊN HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN ĐÀ NẴNG
HỘI VIÊN HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN VIỆT NAM
gửi cho tôi để bạn bè chỉa sẻ cùng nhau câu chuyên mang tính dân gian Việt Nam về con mèo.CHUYỆN MÈO NĂM MÃO
Lịch theo 12 con giáp là theo lịch của Trung Quốc. Nhưng lịch ở Trung Quốc, năm MÃO 卯 gọi là THỐ 兔, cầm tinh con thỏ. Các nhà Nho ta ngày xưa, như cụ Đồ Chiểu đã gọi năm Mão là cầm tinh con thỏ trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ khi bàn về vận số chàng Lục :
Hiềm vì ngựa (ngựa) chạy đàng xa
Thỏ (Thố - Mão) vừa ló dạng, gà (Dậu) đà gáy tan.
Theo các nhà nghiên cứu, con mèo được thuần dưỡng thành vật nuôi trong nhà trước tiên tại Ai Cập, khoảng 2.000 năm trước Công Nguyên. Nhưng ở Trung Quốc, bắt đầu từ đời nhà Đường (618-907), con mèo mới được người Ba Tư đưa vào nuôi theo con đường tơ lụa. Việc nuôi mèo phổ biến vào cuối đời Đường, đầu Bắc Tống (960-1127). Đến lúc này thì lịch 12 con giáp đã sử dụng từ trước đó rồi. Vì vậy hình ảnh con mèo không có mặt trong 12 con giáp mà là con thỏ.Khi lịch 12 con giáp truyền sang Việt Nam, người Việt ta lấy con mèo tượng trưng cho năm Mão, không lấy con thỏ như lịch ở Trung Quốc. Chữ MÃO còn đọc là MẸO và chữ MÈO theo Hán tự là MIÊU 貓, biến thể sang chữ Nôm là MỈU, như câu chưa biết mèo nào cắn mỉu nào trong tục ngữ của ta. Việc thay thế hình ảnh con thỏ sang hình ảnh con mèo trong lịch của ta, chứng tỏ người Việt ta tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với cuộc sống dân tộc ta. Con mèo dù gì cũng gần gũi với người Việt ta hơn con thỏ.
Như thế, người sinh năm Mão là cầm tinh con mèo. Không hiểu như thế nào mà trong bài Vè 12 con giáp đã nhận định tuổi Mẹolà con mèo ngao, hay quấu hay quào ăn vụng quá tinh như thế ! Tuy thế cũng có nhận định tuổi Mẹođã khéo lại khôn.
Người nuôi mèo trong nhà chủ yếu là để bắt chuột, một loài vật hay cắn phá, nhưng mèo cũng có những con có bộ lông, hình dáng đẹp nên mèo cũng có thể nuôi để làm cảnh trong nhà. Ở nước ta, các nhà khảo cổ đã xác nhận loài mèo có mặt rất sớm, sống với cộng dồng người Việt cổ sơ vài trăm năm trước Công Nguyên. Trong các di chỉ khảo cổ, người ta tìm thấy xương loài mèo lẫn lộn với xương các loại thú khác trong sinh hoạt cộng đồng người Việt xưa. Mèo được nuôi nấng trong nhà là loài mèo đã được thuần hóa từ loài mèo rừng, là loài mèo lớn con và rất dữ tợn.
Mèo nhà có mèo mẹ, mèo con, mèo cái, mèo đực, mèo già, mèo mù ... Tùy theo màu sắc lông, ta thấy có mèo mướp (còn gọi là mèo vằn trong câu mèo vằn chó vện), mèo mun (lông đen), mèo vá(lông trắng đen xen kẽ như miếng vá), mèo nhị thể (lông hai màu), mèo tam thể (lông ba màu), mèo trắng, mèo vàng, mèo xám, mèo xiêm (lông trắng, chót chân và chót đuôi hơi sạm đen).
Mèo không nuôi trong nhà là mèo hoang, thuộc loại mèo mả gà đồng, mèo đàng chó điếm, chó khô mèolạc ... Loại mèo này đã được người đời gán cho những người không được giáo dục, những kẻ lưu manh, bịp bợm, lẳng lơ ... Trong Truyện Kiều, ta thấy nhân vật Hoạn Thư gán cho Kiều tính cách không mấy tốt đẹp đó :
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào
Trong vở chèo Quam Âm Thị Kính, lời Sùng Bà mắng Thị Kính cũng một “ tuồng ”như thế :Giống nhà bay đây giống phượng giống công
Còn tuồng bay, mèo mả gà đồng lẳng lơ ..
Đó là chưa kể mèo hoang lại gặp chó hoang thì lại ... lắm chuyện nữa !Loại mèo nói trên khác với loại mèo lành, mèo lành ai nỡ cắt tai, gái kia chồng bỏ khoe tài chi em ! Có người cho rằng mèo lành chẳng ở mả, gái làng chẳng ở hàng cơm hay mèo lành ở mả bao giờ, của yêu ai có bày ra ngoài đường. Cụ Phan Châu Trinh đã có bài thơ với nhan đề Mèo lành ai nỡ cắt tai, gái ngoan chồng để khoe tài nỗi chi như sau :
Mấy thủa mèo lành nỡ cắt tai
Gái ngoan chồng để khéo khoe tài
Nằm bồ ỉa bếp xoang tay chủ
Nát đá phai vàng hổ mặt trai
Mặc sức khen đuôi nghe đã lảng
Bao nhiêu tốt miệng mẹo thêm lòi
Nồi rang bể nát khôn trông lại
Ngoe ngoét còn đem thúng úp voi.
Mèo mà bị cắt tai thì tiu nghỉu như mèo cụt tai, còn mèo cụt đuôi thì được an ủi vì có được mèodài đuôi khen, khen mèo cụt đuôi, cũng như đã từng khen mèodài đuôi, cho rằng cái gì mình có, mình làm ra là khéo, là hay, dù chẳng ai khen cả :
Thà thượt trong đời gẫm ít ai
Mỗ khen cho mỗ cái đuôi dài
Ngồi lòn dưới bụng chừng vừa ức
Đứng vắt lên lưng độ quá vai
Ỉa bếp nhiều lần ngong vất vẻo
Nằm bồ lắm thuở cuốn khoanh nài
Ngoắt chơi rủi phải nồi rang bể
Nào có ai đâu nỡ cắt tai.
Mặt mũi ngêu ngao dễ mấy ai
Xem đi xem lại mỗ đuôi dài
Lươn khô vuốt thử còn non tấc
Rắn lại đo chơi khéo quán nài
Lúc xán nồi rang ngong lểnh nghểnh
Khi nằm bồ lúa vắt lòi thòi
Không hay bắt chuột hay nằm bếp
Dị tướng như ta ắt có tài.
(Phan Châu Trinh – Mèo khen mèo dài đuôi)
Tuy thế mèo cụt đuôi đôi khi cũng có ... giá, vì đã được đem ra làm lễ vật ... thách cưới trong hôn nhân xưa :
Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh cưới ... con mèo cụt đuôi.
Mèo cụt đuôi cũng rất thú vị khi nó nằm trong câu nói lái :- Mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo
- Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
Từ đó, dân gian có bài ca dao :
Cá mắm là chuyện của nữ nhi
Bậu còn vô ý thì chuyện gì cho nên
Con mèo đuôi cụt nằm ở nhà bên
Biết mẹ đi mua cá, nó leo lên mút đuôi kèo
Mẹ xách con cá đối, nó nhìn theo
Thấy để trên cối đá nó khều liền tay
Lần sau nhớ lấy lần này
Thấy mẹ mua cá đem ngay cất liền.
Theo quá trình tiến hóa, mèo con lớn lên sống lâu thành mèo già. Ai cũng cho mèo già thật khôn lanh, nhiều kinh nghiệm đến độ tinh ranh, gian giảo như loài chồn cáo, mèo già hóa cáo là vậy. Khi mèo già ăn trộm thì mèo ốm phải đòn, mèo con phải vạ. Và khi thấy mèo già khóc chuột thì chính thật là giả dối rồi ! Nhưng khi mèo già sức tàn lực kiệt thì thế nào cũng thua gan chuột nhắt và mèo già không bắt gà hàng xóm, sức đâu mà bắt !Trong lời ăn tiếng nói dân gian, từ mèo còn được dùng để biểu tỏ những ý niệm khác nhau. Như để gọi một loài chim, chim mèo là lại chim ăn đêm, trên đầu có cái tai giống tai mèo. Trèo leo chúm chân như mèo, gọi là trèo mèo. Trói cả tay chân để nằm khoanh như mèo, gọi là trói mèo. Nhảy lộn như mèo, gọi lộn mèo. Lộn mèo cũng còn để chỉ những việc rối rắm cả lên. Loại đậu có trái đầy những lông, rờ đến là ngứa ngáy rất khó chịu là trái móc mèo, ngứa như móc móc mèo là vậy. Còn nằm mèo xó bếp là nằm queo ở nhà, chẳng đi đâu, chẳng xông pha, như mèo suốt ngày đêm nằm bếp chẳng siêng đi bắt chuột gì cả. Đặc biệt, từ mèocòn chỉ việc trai gái nhân tình nên có việc o mèo, có mèo, liếc mèo, mèo chuột, mèo mỡ ...
Khổ qua xanh, khổ qua đắng
Khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo
Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo
Ngày nay mới chắc em là con mèocủa anh.
Cô con gái mới hỏi lại : Con thú bốn chân anh gọi con mèo thì phải
Còn anh với em tình ngãi sao anh cũng gọi con mèo ?
Thế là chàng chẳng biết trả lời sao.Có cô gái bộc bạch :
Sông Hàm Luông sông sâu, sóng cả
Em thương anh nhiều mà chả dám theo
Thương anh đâu quản hiểm nghèo
Ngặt vì một nỗi, anh có con mèo theo sau.
Hay cô gái nạn nhân của nạn tảo hôn, bộc bạch:Bầu non ong đốt chẳng eo
Tuổi tôi còn bé chẳng mèo mỡ đâu
Kể ra mười bốn trên đầu
Mẹ cha sở định làm dâu nhà người.
Từ mèo còn sử dụng để gọi tên một số cây cỏ, trong đó có tên cây thuốc dân gian như cây râu mèo, điệp mắt mèo, cây nhớt mèo, cỏ lưỡi mèo, nấm mèo …Loài người nuôi mèo chủ yếu là để bắt chuột. Súc miêu phòng thử là thế. Cho nên loài chuột bao giờ cũng mong giết một con mèo cứu được vạn con chuột. Nhưng mèo bắt được chuột không phải dễ :
Con mèo con mẽo con meo
Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà.
Và nếu vồ con chuột nhỏ nhảy lên xà nhà thì thật là uổng công sức. Nên mèo phải tìm cơ hội tìm chuột to, phải kiên nhẫn rình, rình như mèo rình chuột. Nhưng không phải lúc nào mèo rình chuột cũng thành công :Bốn chân ngồi trên bốn chân
Dốc lòng chờ đợi bốn chân đi vào
Bốn chân chẳng lại đi nào
Bốn chân buồn bực, dào dào bỏ đi
Ra đi bộ vó lâm ly
Bốn chân ở lại sầu bi ngay chò.
Đó là hình ảnh chú mèo (bốn chân), ngồi trên chiếc ghế (bốn chân) rình bốn chân đi vào, tức là rình con chuột (bốn chân) đi vào để chụp bắt. Nhưng chẳng có con bốn chân nào xuất hiện, nên mèo ta rầu rĩ bỏ đi với bộ vó lâm ly, bỏ lại chiếc ghế bốn chân đầy sầu bi ...Mèo tinh quái, nhưng chuột cũng không kém phần tinh ranh. Chúng thấy mèo là trốn chạy rất nhanh, nên mèo khen mèo dài đuôi, chuột cũng khoe rằng mình nhỏ mình dễ chạy :
Chuột sa chĩnh gạo
Chẳng biết đường ra
Chuột kêu chí chóe
Mèo nghe thấy thế
Vội đến nấp rình
Nhưng mắt chuột tinh
Chuột bò lẫn mất…
Tuy thế, mắt chuột có tinh cũng thua mắt mèo. Mắt của loài mèo thật xanh, xanh như mắt mèo, nó có mãnh lực thôi miên được chuột, như mắt cọp như cụ Phan Văn Trị đã miêu tả :Chợt ngảnh mắt hùm nhìn trực thị
Chi cho lũ chuột dám vang reo.
Loại mèo thường ngủ ngày, đêm đi rình chuột, chúng có đặc tính sinh học là mắt cực tinh trong đêm tối và có phản xạ nhanh gấp khoảng chín mười lần con người. Cho nên lũ chuột dù có căm thù mèo, nhưng vẫn ca tụng mèo :Mắt mi xanh sáng như sao
Móng mi bén ngót, tiếng ngao dậy trời.
Khi bắt được chuột, trước khi thưởng thức món ngon hợp khẩu, mèo có thú là vờn con mồi, lúc thì buông ra, lúc thì vồ chụp lấy làm con mồi hốt hoảng, mệt nhoài, vờn như mèo vờn chuột.Nhìn mèo bắt chuột, ta thấy mèo nhỏ bắt chuột conlà vừa sức, chứ mèo nhỏ bắt chuột to, cỡ chuột cống thì chẳng khác gì mèo tha dưa cải hay sào sậy chống bè lim, thật quá sức. Tuy thế, không phải mèo nào cũng siêng bắt chuột, những con mèo lười, thuộc loại bắt chuột không hay, hay ỉa bếp hay chưa biết bắt chuột đã biết ỉa bếp … Có mèo lười đến độ … rình bồ lúa vênh râu, thấy con chuột chạy ngóc đầu … kêu ngao, hay con mèo nằm bếp dính râu, thấy con chuột chạy … lắc đầu kêu ngao ! thì thật hết chỗ nói ! Nói mèo lười hay mèo … đồng lõa với chuột thì chỉ có … chuột mèo biết, trời biết, vì cũng có khi miêu thử đồng miên, mèo chuột ngủ với nhau thì đó là sự đồng tình, liên kết, móc ngoặc, không sát hại nhau … đã đưa đến biết bao sự tai hại. Con người mà cũng như thế thì cũng thật nguy hại cho đất nước dân tộc.
Người Mường có cách thử mèo siêng hay mèo lười bằng cách xách tai nó lên và thấy kết quả:
Mèo siêng múa may, mèo lười co quắp.
Tuy sắc nanh chuột không dễ cắn được cổ mèo, nhưng làm sao có chuyện chuột gặm chân mèo, chuột cắn dây buộc mèo, hay như :Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít muốn ăn con mèo
Chó chạy chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm đầu mèo, muỗi đớp cánh dơi …
thì chỉ có trong Vè nói ngược mà thôi, chứ thật như thế thì … loạn cả lên. Còn việc :Con mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo
thì cũng thật là lạ, vì mèo có bao giờ … thăm chuột, mèo trèo lên cây cau bắt chuột thì có ! Cho hay, những kẻ yếu hèn luôn muốn cúc cung tận tụy, phụng sự bề trên, nhưng kẻ có quyền lực có tha chết bao giờ đâu ?Mèo thích ăn chuột nhưng mèo cũng khoái ăn mỡ nữa. Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ, mèo nào từ mỡ và mấy đời chó đói chê xương, mèo chê mỡ bếp, cọp nhường mồi ngon. Mỡ hấp dẫn mèo đến độ có những sự thèm thuồng quá cỡ như mèo thấy mỡ. Mèo khoái ăn mỡ như thế nên khi thấy mèo nằm bếp liếm, nhai cục … than thì đừng có ngạc nhiên, vì mèo nào mèolại ăn than, bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên đó thôi ! Do đó, mỡ để miệng mèo có ngày không còn, rồi sinh ra bực tức, bảo mổ mèođòi mỡ như đã từng đòi mổ lợn đòi bèo. Vì vậy, người xưa có lời khuyên : Đừng mang mỡ đứng trước miệng mèo, tức là đừng bày ra những gì khêu gợi trước mặt kẻ xấu :
Mèo nào thấy mỡ không ham
Trai nào thấy gái chẳng tham sắc nàng.
Tuy thế, chứ :Mèo tha miếng thịt xôn xao
Kễnh (cọp) tha con lợn thì nào thấy chi.
hay :Mèo tha miếng thịt thì đòi
Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng
để thấy thế lực của kẻ mạnh, kẻ có quyền như thế nào. Ở đời, dù kẻ mạnh hay kẻ yếu cũng có kẻ tham lam. Kẻ mạnh có của đút lót nhiều, nếu mất đi thì tiếc hơn kẻ yếu. Vì chưng kẻ yếu có của đút lót gì nhiều đâu. Việc hùm mất hươu tiếc hơn mèo mất thịt là thế !Món cá thì mèo không chê. Mèomà vớ được cá thì nhất, nhưng mèo mù vớ được cá thì nhất nữa và mèo mù vớ được cá rán thì là trúng số, được món ăn rất béo bở. Do đó, những bà nội trợ luôn cảnh giác : Chó treo mèo đậy để bậy nó ăn. Vì thế cơm hay cá treo thì mèo phải nhịn đói thôi, muốn no thì phải lo bắt chuột mà ăn. Nói thế chứ loài mèo ăn chậm và ăn ít, ăn nhỏ nhẻ như mèo, ăn như mèo ngửi, ăn như mèo ăn ... Từ đó, có so sánh : nam thực như hổ, nữ thực như miêu. Nhận định đó, hiện nay chưa chắc đúng như thế. Mèo ăn uống như thế nên mèo uống nước bể không bao giờ cạn và cũng biết cho ít ăn nên mới ít lo ít làm cả ngày con mèo nằm bếp co ro là thế !
Mèo cũng hay ăn vụng, ăn lén ăn lút khi con người vắng mặt hay không để ý đến. Chuyện ăn vụng của mèo cũng được ví von với con người:
Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm
Mèo không ăn vụng, đi đêm làm gì ?
Dù có bào chữa :Tình ngay mà lý lại gian
Mèo không ăn vụng trèo giàn làm chi ?
Và hay đổ oan cho mèo :Nửa đêm trống trở sang canh
Lỡ ăn vụng dại, đổ quanh cho mèo.
Việc ăn uống như thế, việc “đi ngoài” của mèo thì cũng rất ... kỹ. Trước khi thải chất bẩn ra ngoài, bao giờ mèo cũng đào một lỗ nhỏ rồi thải vào đó, thải xong, quơ chân lấp đất lên. Giấu như mèo giấu cứt là như thế ! Từ đó, con người ví von, trong cuộc sống có người cũng giấu nhẹm những chuyện của mình, không muốn cho ai biết như con mèo giấu phân của nó vậy.Mèo có tài leo trèo, phóng tuốt lên ngọn cây một cách dễ dàng :
Con mèo con mẽo con meo
Ai dạy mày trèo, mày chẳng dạy tao ?
Đó là lời của con chó sau khi rượt đuổi mèo, mèo leo nhanh lên cây cao, chó chỉ biết đứng ngóng lên sủa om sòm dọa nạt, chẳng làm được gì mèo:Con mèo trèo lên cây vông
Con chó đứng dưới ngó mong con mèo
Mèo rằng : “Sao chó chẳng theo
Lên đây mèo sẽ dạy leo cho mà !”
Chó và mèo chẳng bao giờ hợp nhau, gấu ó như chó với mèo là như thế ! Sự leo trèo quá nhanh của loài mèo như thế đã được cụ Phan Văn Trị ví với những hạng người khéo nhảy, khéo lo để nhảy lên chức quan to hơn :Mấy từng đài cát sải chân leo
Nhảy lẹ chi cho bằng giống mèo ...
Ngoài tài leo trèo, loài mèo còn có “thế võ” ... quào. Chó cắn, mèo quào, ngựa đá, bò húc ... , ông bà ta đã nói như thế. Nhưng thế “quào” của mèo không xuể phên đất, mèo quào không xẻ vách vôi ... chỉ là những thế không nguy hiểm, thể hiện tài nhỏ, sức mọn mà thôi.
Mèo chỉ biểu tỏ sức mạnh với chuột, nhưng đối với chó thì mèo có những mối quan hệ khác. Mèo với chó như hai lực lượng đối kháng nhau, mâu thuẫn nhau, gấu ó như chó với mèo. Có khi :
Mèo ngao cắn cổ con cầy
Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao.
Vì thế, khi nói chó với mèohay mèo với chó ... là chỉ sự ăn ở, đối xử nhau không thuận hòa, đầy xung khắc. Có những lý giải về sự xung khắc này. Có người nói mèo không gọi chó đang ngủ dậy sớm để dự thi xếp các con vật biểu tượng của một năm do Ngọc Hoàng tổ chức. Do đó, chó phải xếp sau, áp chót, trước con heo. Từ đó, chó gặp mèo là rượt cắn. Có người lại cho rằng con người nuôi chó giữ nhà, đi săn ... được chủ cưng chiều. Nay trong nhà chủ lại nuôi con mèo để bắt chuột cũng được chủ nâng niu bế bồng, cưng còn hơn cưng chó. Rồi có chuyện con mèo xán vỡ nồi rang, con chó chạy lại nó mang lấy đòn. Hay khi chó già ăn vụng cá khô, ông chủ không thấy đổ hô cho mèo ! Thế thì không ... thù nhau sao được ! Đó là chưa kể khi chó đi đâu đó, chủ đã sai mèo làm cái việc mà chó thường làm, không chó bắt mèo ăn cứt. Tuy con mèo con chó có lông, nhưng chó lại chê mèo lắm lông làm như chó ít lông hơn mèo, cãi qua cãi lại như thế mãi. Con người có lúc cũng chẳng ưa gì mèo chó, lợi dụng mèo chó để chửi mắng quàng xiên những người mình không ưa, như chửi mèo mắng chó, đá mèo quèo chó, đánh chó chửi mèo ... Đó là những người khi thương bòng co ruột, lúc ghét mắng chó mèo. Trong nhà, con người sống không ngăn nắp, bày ra bừa bãi, lộn xộn cũng đem chó mèo ra để đổ thừa : chó tha đi, mèo tha lại, từ đó, chó mèo phải chịu đòn oan. Người đời cho rằng mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang, có phải tiếng kêu “meo meo” của mèo gần với âm “nghèo”, tiếng chó sủa “gâu gâu” của chó gần với âm “giàu” chăng ?
Tuy thế mèo – chó cũng có lúc “đồng điệu” :
Mèo hoang lại gặp chó hoang
Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.
Nhà nuôi mèo chó bao giờ cũng muốn chúng hòa hợp nhau, không gấu ó nhau, nên có tục khi đưa mèo về nhà, nếu nhà có nuôi chó, gia chủ cho mèo vái lạy chó và dặn dò không cắn lộn nhau. Tục thì như thế, nhưng chuyện mèo – chó thì không lường được.Tuy nhiên với tính cách của các con vật này, con người luôn dẫn chúng ra trong các lời nói mang sự phê phán, đả kích những hành vi, lối sống của một bộ phận trong xã hội.
Những người mang tiếng buộc cổ mèo, treo cổ chó thì chắc chắn kẻ ấy đã có những hành động lưu manh, côn đồ bạo lực đối với những ốm yếu thế cô. Một số người cũng bị phê phán :
Đánh giặc mà đánh tay không
Thà về xó bếp giương cung bắn mèo.
hay phê phán những người làm ăn chẳng ra gì : ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa. Có người chó chê mèo mửa thì thuộc người chẳng ra gì. Còn hàng quan lại tham ô tham nhũng thì hình ảnh con mèo cũng “có mặt” trong những lời phê phán :Con mèo đi chợ Chùa Chanh
Mua quả na chín, mua nhành cau tươi
Đưa lên nó biếu ông Trời
Trời khen nắc nởm, Trời cười ha ha
Trời ban cho các mèo già
Quần xanh áo đỏ mũ da giày vàng
Những kẻ ưa bịa chuyện, sai sự thật là kẻ nói chuyện mèo đẻ ra trứng. Hay có những kẻ chuyên nói láo, nói khoát thường kể :Nhà tôi có một con mèo
Khi mô hết thịt lên đèo kiếm nai.
Dù ai cũng biết chó sủa mèo ngao nhưng ai khen ta hát như mèo ngao, hát như mèo cái gào đực trong lúc mèo động tình thì ta có nước ... độn thổ. Đó là chưa kể khi ta bị chê : Lôi thôi như mèo sổ chuột; Lôi thôi như mèo vật đống rơm; Lượt bượt như con mèo ướt; Lừ đừ như mèo ngái ngủ; Viết chữ như mèo quào ... thì ta chẳng vui gì.Trẻ con cũng đem con mèo ra để ca hát : Mèo mẻo mèo meo / Mèo đừng ghẹo trẻ / Ta tra vào đây / Ta quảy mèo đi ...
Hình ảnh con mèo không những được con người mượn để phê phán, chê bai một số người có lối sống không được tốt đẹp mà còn đưa hình ảnh nó vào đời sống tình cảm của mình nữa. Trong câu hát giao duyên giữa chàng trai cô gái có sự đố nhau :
... Đố chi đố ngặt, đố nghèo
Đố chi lại đố con mèo mấy lông
Bậu về tát cạn biển Đông
Thì ta sẽ đếm hết lông con mèo.
Có người lại đố :Con mèo lành sao kêu con mèo vá ?
Con cá không thờ sao gọi cá linh ?
thì cũng thật là khó trả lời.Trong việc tìm vợ, anh chàng chẳng nề gian khổ leo đèo vượt suối nơi chốn xa xôi để tìm một người bạn đời vừa ý, nhưng cưới về rồi anh chàng thất vọng :
Anh đi năm bảy dặm đèo
Mà cưới con vơ như mèo mắc mưa !
Còn có những anh chàng cưới vợ về rồi, sau đó làng xóm nhận xét :Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi
Vợ anh đẹp lắm, đuổi ruồi không bay
Đem hình ảnh con mèo ví von như thế thì thật là ... thâm !Còn có chuyện hai chị em. Cô em mong ước bao giờ cho lúa trổ bông, cho chị có chồng em gặm giò heo. Nhưng cô chị lại bảo giò heo chị để đem theo, chị đưa giò mèo em gặm, em ăn. Không biết giò mèo có ngon hơn giò heo không, nhưng cô chị cũng có lòng lo cho em đấy !
Đó là chuyện của hai chị em trong gia đình, còn anh em trong gia đình cũng có lúc :
Anh em bất nghĩa chi khèo
Anh dữ như mèo, tôi lại như trâu.
Anh em cột chèo cũng có khi gấu ó với nhau :Anh em cột chèo như mèo với chó.
Chuyện đối xử giữa vợ chồng với nhau con mèo cũng ... có mặt. Anh chồng quá cưng chiều vợ, vợ quá chiều, ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt. Nhưng khi người vợ chồng rẫy, chồng bỏ thì người vợ phải rẫy, tiu ngỉu như mèo lành mất tai.Nhưng cũng có những anh chồng bị các bà vợ than thở suốt :
Chồng người vác giáo săn heo
Chồng em cầm đũa đuổi mèo quanh năm
Chồng người vác giáo săn beo
Chồng em vác đũa săn mèokhắp mâm.
hay :Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
Trong hôn nhân ngày xưa, tục thách cưới, nộp cheo cũng bị phê phán và hình ảnh con mèo cũng dự phần vào sự phê phán đó :Anh về anh bảo mẹ cha
Bắt lợn để cưới, bắt gà để cheo
Đầu lợn lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết làng treo cột đình
Ông xã đánh trống thình thình
Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.
Ông Tơ bà Nguyệt trong hôn nhân xưa cũng có lúc bị đả kích do không xe duyên mối chỉ hồng cho anh chàng không cô gái nào theo :Bắt ông Tơ đánh sơ vài chục
Bắt bà Nguyệt nếm mấy mươi hèo
Người ta năm bảy vợ theo
Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi.
Việc hôn nhân là do duyên số :Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi.
Tục làm rể của xã hội xưa cũng lắm nhọc nhằn :Công anh làm rể đã lâu
Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô
Bao giờ anh lấy được cô
Cơm hớt phần chó, đầu rô phần mèo.
Và trong cuộc sống có những đôi vợ chồng chẳng được hòa hợp, hạnh phúc là do tính tính của hai người :Đôi ta như chó với mèo
Như gà với cáo, như kèo đục vênh.
Quan hệ giữa nàng dâu - mẹ chồng trong xã hội xưa có khi lên đến cực điểm bất đồng :Mẹ chồng đối với nàng dâu
Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ.
để dẫn đến chuyện :Bao giờ mẹ chồng ốm ho
Nàng dâu lấy thuốc đem cho mẹ chồng
Lấy những lông cú, lông cáo, lông công
Lấy cà độc dược cùng lông con mèo.
Nàng dâu thật là quá quắc và độc ác nữa.Về mặt ẩm thực, thịt mèo các tay nhậu cũng khoái lắm, cho là món tiểu hổ. Vì thế ở các nơi, một số quán nhậu tiểu hổ mọc lên để phục vụ và sẵn sàng thu mua loại tiểu hổ này. Ngày xưa, bên Trung Quốc có Võ Tòng đánh chết hổ, còn ở ta, các tay đi săn tiểu hổ cũng được gán cho tên Võ Tòng. Các tay Võ Tòng này chuyên môn đi bắt mèo hoang hay mèo nuôi lỡ ra khỏi nhà. Dụng cụ bắt tiểu hổ là chiếc roi bằng thép dẻo có độ đàn hồi cao, nắm trong tay, chỉ vụt trúng gáy là mèo đi đời. Có Võ tòng dùng cây đinh ba và cây đèn pin cực sáng, lợi dụng đặc tính “bắt đèn” của mắt mèo khi bị ròi đèn pin, mắt chúng đang tập trung vào nguồn sáng có cường độ mạnh, lập tức nhanh như chớp, chiếc đinh ba cắm phập vào lưng, mèo chết không kịp ngáp. Có Võ Tòng nhử mèo sập bẫy như mấy tay đi nhử chim cu. Đợi đến mùa mèo động đực, các tay Võ Tòng này bắt một con mèo cái nhốt vào lồng, đặt trước lồng vài cái bẫy chuột. Thế là các mèo đực bắt được hơi nhào đến bu quanh, chưa làm được gì thì bị bẫy cạp chân, Võ Tòng chỉ việc lượm bỏ vào bị. Mèo ham thịt mỡ, thấy có miếng thịt mỡ trước mặt là đớp liền. Đớp xong miếng mồi, mèo mới biết bị lưỡi câu móc vào miệng. Đó cũng là một cách thu gom mèo cho các quán nhậu.
Các quán nhậu, nếu mua được mèo còn sống thì các tay đồ tể ra tay “thịt” mèo một cách không thương tiếc. Có nhìn được các tay đồ tể này làm thịt mèo mới thấy được sự dã man, độc ác, rùng rợn. Trước tiên mèo bị dây thòng lọng thít chặt cổ rồi bỏ vào bao đem dìm dưới nước cho mèo chết hẳn. Có nơi, họ dùng cái chày lớn đập chết mèo. Đến giai đoạn vặt lông, có nơi dùng máy vặt lông. Lông mèo rất dễ rụng, chỉ cần lấy nước sôi đổ lên và xoa tay là nó rụng hết. Sau đó ít phút, con mèo trắng hếu, nhe hàm răng trắng nhỡn ra nằm đó chờ đem thui và mổ bụng. Các tay đồ tể mổ bụng mèo họ bỏ hết nội tạng chỉ giữ lại mật để ngâm rượu, ruột để xào giòn. Như thế, thịt mèo sẽ không bị mùi hôi. Họ còn lóc hết xương sống ra khỏi thịt. Nếu sử dụng xương sống này thì phải chọc cho tủy ra hết, họ cho rằng ăn phải tủy mèo sẽ bị bệnh hen suyễn. Thịt mèo lúc này được các tay đầu bếp đem hấp, luộc hay xào. Thịt mèo thái mỏng sào lăn với sả ớt. Chân đuôi và một số thịt ở sườn hay lưng (để cả xương) chặt miếng nấu giả cầy. Xương mèo đem nấu cháo. Mật mèo, nhất là mật mèo đen rất là hiếm đem pha rượu, được các đệ tử lưu linh đánh giá khá cao rượu ngâm này vì nó có tính chất cường dương. Ăn thịt mèo, các tay nhậu đòi hỏi phải có rau má, cũng như ăn thịt chó phải có lá mơ. Rau má làm thịt mèo ngọt hơn, hợp với mùi vị. Rau má ăn như rau sống hay đem xay nhuyễn ngâm thịt mèo vào.
Về phương diện Đông Y, thịt mèo cũng được liệt vào hàng bổ dưỡng. Danh Y Tuệ Tĩnh cho rằng thịt mèo có vị ngọt, chua, tính âm, không độc, chữa được bệnh lao, trĩ, động kinh và một số bệnh khác. Thịt mèo còn làm thức ăn cho những người suy tổn khí huyết, kinh nguyệt không đều, phòng chữa bệnh cho người già yếu. Thịt mèo rừng còn trị được bệnh sốt rét, trị thần kinh suy nhược, phụ nữ sau khi sanh chóng phục hồi thể lực. Các bộ phận của mèo như xương mèo (nấu cao), mật mèo, máu mèo, gan mèo cũng là những vị thuốc chữa được một số bệnh. Ngay phân mèo, tiếng Hán Việt là miêu phẩn và cũng được gọi là phân Ngũ tướng quân dùng để trị bệnh hiểm nghèo. Lông mèo ngày xưa các cụ thường dùng làm bút lông chấm mực Tàu viết chữ Hán. Cụ Phan Văn Trị đã từng ca tụng :
Trăm tuổi, hồn dầu về chín suối
Nắm lông để lại giúp trò nghèo.
Do đó có thành ngữ mút lông mèo là để chê học trò không làm được bài, ngồi cắn bút, như ngày nay ta nói.Nói đến chuyện thịt mèo dùng làm thức ăn, ta lại nhớ đến chuyện vua Lê Long Đỉnh (trị vì 1006-1009) còn có danh là Ngọa Triều Hoàng Đế, “nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong, lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích “ (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, trang 236). Thật là một hành động không đẹp tý nào.
Nói gì thì nói, loài mèo được sinh ra là để bắt chuột. Số lượng chuột sinh ra không biết bao nhiêu mà kể. Chúng phá hoại mùa màng, cắn phá trong nhà, sinh ra đại dịch (dịch hạch) là nỗi khổ của người dân. Thế mà cứ bắt mèo làm thịt, coi như thịt hổ nhỏ, cho dân nhậu khoái khẩu cứ ca tụng loại mãi thịt này :
Thịt mèo trắng hơn thịt gà
Ngọt thơm chất vị, đậm đà tình dân
Ruột mèo nấu nộm rau cần
Nhai giòn không chán, một lần khó quên
Giả cầy hoặc luộc đều nên
Học Tàu cho thuốc tự nhiên thơm bùi.
thì chỉ có loài chuột hoan hô thôi, thêm những hả hê bội thu của những tay kinh doanh mèo. Bên Trung Quốc có lần Nhà Nước phạt vạ người dân vì ăn thịt mèo. Ở xứ ta, có năm nào đó, chính quyền ra lệnh cấm cửa mở quán nhậu thịt mèo ... Tất cả là cũng để bảo vệ loài mèo cho giống chuột không thể tự do hoành hành.Chuyện mèo năm Mão nếu kể ra cho nhiều thì ... mèo vẫn hoàn mèo./
Năm Tân Mão 1011,mèo tôi xin chúc mọi nhà an khang thịnh vượng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét