+084 98 504 7377 hangpham9890@gmail.com

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

NĂM QUÝ TỴ 2013 NÓI CHUYỆN RẮN

17:54

Share it Please




Vương quốc rắn độc

Nằm trên một khu đất rộng 12 ha vốn là căn cứ của quân đội Mỹ trước năm 1975 (nay thuộc xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang), Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 (mà người dân quen gọi là Trại rắn Đồng Tâm) có thể nói là vương quốc của các loài rắn độc.



Gọi là vương quốc rắn bởi ở đây quy tụ đủ loại, từ hổ mèo, hổ đất trông rất dữ tợn được chăm sóc cẩn thận trong những “căn nhà” kiên cố, đến hàng ngàn chú rắn lục màu xanh lá cây với thân hình dài ngoằng, nhỏ xíu, nằm cuộn mình trên những tàng cây im lìm, tưởng như rất hiền lành nhưng lại là một trong những loài cực độc. “Khủng” nhất là những “vua rắn” hổ chúa (King Cobra) và hổ mang chúa (Naja Naja). Hiện trại đang nuôi một rắn hổ mang chúa có làn da mốc thếch, đen xì nặng 12 kg và dài gần 4 m.
“Hổ mèo cũng được xem là loài rất nguy hiểm. Loài rắn này có thể phun nọc độc xa đến 2 m và có lần chúng phun nọc ướt hết mắt kính của người chăm sóc”, một cán bộ quản lý cho biết. Vậy mà hằng tháng người chăm sóc rắn phải kiểm tra cẩn thận từng con một. Nếu chúng bỏ ăn thì phải xem miệng chúng có bị nấm không, rồi phải cạy răng ra và đút mồi vào miệng chúng. Thức ăn khoái khẩu của hổ chúa cũng là... rắn, còn hổ mang thì thích xơi cóc, nhái và chuột đồng. Để đáp ứng nhu cầu này, mỗi tuần trại phải tìm mua hàng trăm kg rắn bông súng và chuột đồng về làm thực phẩm phục vụ cho các “vua rắn”.
“Xuất phát từ việc nguồn rắn độc ở nước ta ngày càng hiếm do sự săn bắt, tận diệt của con người và môi trường sống của chúng dần bị thu hẹp. Vì thế, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo tồn các loài rắn, đặc biệt là loài rắn hổ chúa và hổ mang chúa đang nằm trong chương trình bảo tồn gien quốc gia”, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, giải thích. Ngoài rắn, trại còn nuôi bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm khác như trăn, gấu, hươu, nai, rái cá, chồn vàng, cua đinh vàng, cá sấu, đà điểu, đại bàng trắng, quạ đen, bìm bịp... như là một vườn thú nhỏ phục vụ nghiên cứu của học sinh, sinh viên, nhưng cũng rất hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.

Nơi cải tử hoàn sinh

Không chỉ là một trung tâm nghiên cứu khoa học, Trại rắn Đồng Tâm còn có một khoa chuyên cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Có thể nói từ khi thành lập đến nay, đây là nơi cải tử hoàn sinh cho hàng chục ngàn người. Nạn nhân của rắn độc hầu hết là dân nghèo vùng nông thôn, đã được các thầy thuốc mặc áo lính tận tình cứu chữa. Nhiều người được đưa tới cấp cứu vào lúc nửa đêm trong tình trạng hôn mê, trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn, không giấy tờ tùy thân, tay chân lấm lem bùn đất. Thậm chí, không ít trường hợp tới ngày ra viện người bệnh không có tiền đi xe về nhà.
“Điều quan trọng khi cấp cứu nạn nhân bị rắn cắn là phải chẩn đoán nhanh và chính xác. Đầu tiên là phải xác định rắn gì cắn, độc hay không độc. Nếu là rắn độc thì rắn hổ hay rắn lục, để chỉ định điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp khi đến trại thì bệnh nhân đã hôn mê sâu, không còn mạch. Nhưng nếu bệnh nhân còn thở thì vẫn còn có thể cứu được”, bác sĩ Lương kể.
Có một người đàn ông ở Bến Tre đi chăn bò bị rắn hổ đất cắn, nhập viện ở Bến Tre rồi được chuyển sang Trại rắn Đồng Tâm. Điều chẳng may là xe cấp cứu đang chạy giữa đường bị... chết máy, khi đến nơi thì bệnh nhân đã chết lâm sàng. Bấy giờ các thầy thuốc phải làm hô hấp nhân tạo đến khoảng một giờ sau nạn nhân mới phục hồi tim trở lại. Sau khi ra viện, người này về nhà mở tiệc ăn mừng vì vừa từ cõi chết trở về.
Hay trường hợp một học sinh (ở H.Cai Lậy, Tiền Giang) đang ngồi học bài ở nhà vào buổi tối thì bị rắn cắn rồi bị sốc không còn biết gì nữa. Nghĩ là con đã chết nên người cha không đưa đi cấp cứu, trong khi người mẹ thì nhất quyết “còn nước còn tát” nên kêu xe ôm đi. Dọc đường, anh xe ôm vì lo sợ, chạy nhanh nên bị tai nạn khiến nạn nhân bị thương một lần nữa. Khi đến nơi thì mạch không còn, các thầy thuốc phải lấy mạch ở cổ rồi chỉ định thuốc. Vậy mà 4 giờ sau em tỉnh lại. Không biết nói gì, người mẹ bất ngờ quỳ xuống lạy các thầy thuốc...

Năm 2011 Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu và điều trị 1.176 ca bị rắn độc cắn, riêng 10 tháng đầu năm 2012 đã điều trị hơn 900 ca. Khi điều trị ở đây người dân chỉ phải trả tiền thuốc, còn tiền khám và viện phí được miễn hoàn toàn.
Nhiều năm qua Trại rắn Đồng Tâm còn bào chế nhiều loại dược phẩm quý như rượu rắn, cao rắn... dùng để chữa các bệnh về xương, khớp. Đặc biệt nhất là Cobratox, loại thuốc dùng xoa bóp với thành phần chính là nọc rắn hổ. Ngoài ra còn có mỡ trăn dùng chữa bỏng hoặc da bị nứt nẻ, bột rắn lục chữa thoái hóa cột sống... Riêng huyết thanh kháng nọc rắn do Trại rắn Đồng Tâm phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vaccine Nha Trang nghiên cứu, bào chế và cung cấp cho hệ thống bệnh viện trên toàn quốc rất hiệu quả.    
                 ( NGUỒN : BÁO THANH NIÊN )



'Bà chúa rắn': Trại rắn độc cũng phải đẹp

Là phụ nữ đầu tiên gánh trọng trách quản lý trại rắn lớn nhất nước, gánh cả tên tuổi của những vị tiền nhiệm đã ít nhiều nhuốm màu huyền thoại, quả là một thách thức đáng sợ với người nổi tiếng sợ... rắn. Thế nhưng, chỉ sau 3 năm điều hành, người phụ nữ ấy đã đưa trại rắn vươn ra biển lớn.
Trại rắn độc cũng phải... đẹp
Là người vốn sợ rắn, nhưng cuối năm, về Tiền Giang, tôi lại được đồng nghiệp mời tham quan trại rắn Đồng Tâm... Trái với những hình ảnh ghê sợ và nhất là mùi hôi nồng nặc mà tôi từng có dịp "nghía" qua ở các trại nuôi rắn trước đây, cảm nhận đầu tiên khi bước vào trại rắn Đồng Tâm là khung cảnh thoáng đãng, gần gũi và thân thiện như một công viên đẹp.
Đặc biệt, chuồng trại ở đây được "thiên nhiên hóa" tối đa với lối thiết kế "cách điệu" dưới các gốc cây cổ thụ ven lối đi hay lẫn dưới tán cây xanh, hòn non bộ...
Nhờ vậy, lần đầu tiên trong đời tôi dám nhìn cận cảnh, chi tiết về thế giới rắn đủ màu sắc từ xanh của rắn lục, màu vàng lục, màu đen khoang vàng của rắn hổ chúa, rắn hổ đất...
Đại tá, dược sĩ Trần Thị Hà, Giám đốc trại rắn Đồng Tâm (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Vừa nghe tôi "thắc mắc" về quang cảnh sao quá đẹp, Trung tá - bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc trại rắn nói ngay: "Không chỉ bạn mà nhiều du khách cũng có cảm giác an toàn khi đến đây. Người tạo ra thành quả đó là giám đốc - Đại tá - dược sĩ Trần Thị Hà".
Có lẽ, điều khiến cả 4 ông phó tướng của chị "tâm phục khẩu phục" nhất là việc đánh thức vẻ đẹp bên trong đơn vị.
"Kiện toàn bộ máy theo hướng phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất là một trong những dấu ấn của chị", Trung tá Lương khẳng định:"Nhờ vậy mà đơn vị đã làm nên những điều tưởng chừng như không thể".
Nổi bật là chuyện cứu sống 100% bệnh nhân bị rắn cắn trong tình trạng "thầy chạy, bác sĩ chê".
Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Hữu Tài (SN 1954, Tân Phú, Bến Tre) bị rắn hổ đất cắn trong lúc đi chăn bò vào ngày 4/8/2009.
Do địa hình phức tạp nên mất gần 2 giờ sau ông Tài mới được đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre. Do bệnh quá nặng, nơi đây "bó tay". Gia đình chuyển sang trại rắn cầu may nhưng đi đến giữa cầu Rạch Miễu thì xe chết máy, lại mất nửa giờ sửa chữa... "Lúc đó đã hơn 18h", Trung tá Lương nhớ lại.
"Nạn nhân nhập viện trong tình trạng cực kỳ nguy kịch: Toàn thân tím tái, mạch tim gần như ngưng hẳn, chỉ còn mạch vẹm nhưng rất thoi thóp".
Sau một giờ hồi sức tổng hợp cộng với bí quyết chuyên trị rắn của đơn vị, kíp trực đã giành lại được sự sống cho ông Tài.
Sau 2 tháng điều trị với 2 lần vá da phức tạp, ngày 19/10/2009, ông Tài xuất viện.
Tay không bắt giặc
"Chấp hành tổ chức nên mình về đây nhận nhiệm vụ, chứ "vốn liếng" về rắn của mình còn dưới cả con số 0", chị Hà tâm sự chân tình.
Đó là năm 2009, khi đang làm Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 120 (Quân khu 9) thì chị được điều động và trở thành nữ giám đốc của trại rắn Đồng Tâm.
Có nhiều lý do để chị phải "sợ" công việc này. Đồng Tâm là trại rắn có quy mô lớn nhất nước, có tên tuổi của 3 vị tiền nhiệm đã nhuốm màu huyền thoại, như Đại tá - dược sĩ Trần Văn Dược (1929-1989); mình kế nhiệm thế nào đây?
Chị lại là người cực kỳ sợ rắn. "Hồi nhỏ đi bộ đội ở rừng, mình nổi tiếng sợ rắn. Thấy rắn đàng xa là vác cây xua, chúng không chạy thì mình... chạy trước".
"Vạn sự khởi đầu nan". Ngay việc làm đầu tiên rất đơn giản là thay những mái lá lụp xụp đã xuống cấp tại các nhà nghỉ dành cho du khách, chị đã vấp... phải trở lực.
Không chỉ lời ra tiếng vào, mà có người còn "lớn tiếng" phê bình ngay trước mặt chị, nào là không hiểu du lịch sinh thái, rồi thế này thế khác... khiến chị không ít lần mủi lòng.
Khó khăn càng chồng chất khi lúc này chị phải gánh thêm vai trò trụ cột gia đình vì chồng đi làm xa, cuối tuần mới về nhà.
Bản lĩnh người lính đã giúp chị vượt qua. Chị chia sẻ: "Cái gì chưa biết thì học", chính suy nghĩ tích cực đó đã đưa chị vượt lên con số âm để đi đến thành công.
Không chỉ tận dụng thời gian sau những giờ giải quyết công việc đơn vị, chị còn tranh thủ cả thời gian rỗi ở nhà để khai thác tài liệu. Hết sách, báo, chị lại vào mạng. Chị còn tranh thủ học ngay từ thuộc cấp của mình.
Thoạt đầu là những bài học vỡ lòng như xác định tên rắn... dần dần nâng cao như nhìn màu da xác định được rắn xuất thân từ vùng núi Tây Ninh hay vùng trũng Đồng Tháp Mười...
Không chỉ vậy, chị còn thiết kế cho mình "kênh" học tập rất độc đáo. Chị nhớ lại: "Sau nhiều lần suy tính và tranh thủ được sự ủng hộ của lãnh đạo Quân khu 9, ngay trong năm 2009, mình tổ chức hội thảo khoa học quy tụ được nhiều chuyên gia giỏi, nhà khoa học tâm huyết".
Kết quả, chị đã bổ sung được rất nhiều kiến thức chuyên môn và qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu, chị còn vạch được cho đơn vị lộ trình và định hướng cải tiến nâng tầm hoạt động một cách có cơ sở.
Bà chúa... không ngai
Sau hội thảo, chị lao vào phát triển đơn vị. Với phương châm "có thực mới vực được đạo", chị chọn việc nâng cao đời sống đơn vị làm khâu đột phá.
Đầu tiên là cải tạo môi trường, cảnh quan để phát triển dịch vụ du lịch. Khung cảnh thâm u với cây tạp, già cỗi được thay thế bởi không gian thoáng đãng và rực màu sắc của cây xanh, hoa kiểng.
Điểm nuôi rắn được thiết kế lộ thiên tại trại rắn đã mang lại cho khách tham quan cảm giác gần gũi, nhưng cũng rất an toàn do được ngăn bằng bờ tường cao (Ảnh: Internet)
Chuồng trại được sắp xếp lại một cách khoa học, mỹ quan và thích hợp với quy trình tham quan... Nhờ vậy, lượng khách đến tham quan đã vượt lên con số 100.000 lượt người/năm, gấp 3 lần so với trước.
Đời sống cán bộ, chiến sĩ của đơn vị theo đó đã được cải thiện. Trung tá Lương tự hào: "Tăng được nguồn thu dịch vụ, cộng với kinh phí có thêm từ việc đẩy mạnh tiêu thụ chế phẩm dược liệu, đơn vị đã chủ động được việc chăn nuôi, nghiên cứu... Với cách làm này, trại rắn Đồng Tâm được xem như điển hình của cả nước về mô hình bảo tồn động vật hoang dã bền vững".
Lúc mới "xốc" lại đơn vị, chị Hà phát hiện lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng dược liệu của đơn vị đang trong tình trạng 3 không: Không đăng ký dược phẩm, không mẫu mã hấp dẫn và không tiện lợi trong sử dụng.
Vì thế, dù chất lượng nhưng các sản phẩm chỉ quẩn quanh trong chiếc "ao làng". Vậy là vừa tiến hành các thủ tục "pháp lý hóa" toàn bộ các mặt hàng, chị vừa chỉ đạo bộ phận chuyên môn tăng cường công tác quảng bá: Mở đại lý tại nhiều địa phương trọng điểm, mở dịch vụ bán hàng qua mạng, bưu điện... để tăng tốc tiêu thụ nội địa,  "quốc tế hóa" tên và "tiện dụng hóa" sản phẩm để đưa ra "biển lớn".
Trực tiếp tạo ra nhiều thành quả thiết thực cho đơn vị, trong con mắt cán bộ chiến sĩ trại rắn, chị Hà được xem như "bà chúa rắn"...
Ở Đồng Tâm có một câu rất ngộ: "Bốn vị đàn ông không bằng cái hông người đàn bà". Nguyên do, chỉ cần chị nói một tiếng: Hông (không - theo cách phát âm của Nam Bộ), là cả 4 ông phó giám đốc răm rắp chấp hành.
Nhưng, đó chỉ là trong công việc. Trong đời thường, chị là "bà chúa"... không ngai". Không chỉ ăn suất cơm như bao nhân viên tại đơn vị, chị còn sẵn sàng "đứng dưới", thậm chí nhiều lần nhường cả "tiền" và "tiếng" cho thuộc cấp.
Điển hình là việc chị mạnh dạn rút tên khỏi danh sách thực hiện đề tài cấp nhà nước: Phát triển và khai thác nguồn gen rắn hổ mang chúa và hổ mang đất làm nguyên liệu sản xuất thuốc.
Đề tài này thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2012, nghĩa là chị có đủ cơ sở pháp lý và khoa học để có tên trong danh sách thực hiện, nhưng chị đã từ chối với lý do rất... "tự trọng": "Mình mới học việc và cơ quan còn nhiều việc cần mình nên nhường chỗ cho anh em hiểu sâu hơn tham gia".
Trung tá Lương nhận định: "Đó là quyết định rất thật lòng của giám đốc, bởi sau đó, chị không chỉ quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ... mà còn có nhiều tác động tích cực giúp chúng tôi hoàn thành đề tài đúng thời gian".
Có lẽ giờ đây chị đã tự tin hơn trước cái bóng quá lớn của những người tiền nhiềm...
Trại rắn Đồng Tâm là tên thông dụng của Trung tâm nuôi trồng - nghiên cứu - chế biến dược liệu Quân khu 9, tọa lạc tại Châu Thành (Tiền Giang), được hình thành vào tháng 10/1979 với tên gọi Xí nghiệp dược 408 (Quân khu 9).
Năm 1988, Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành trung tâm, có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn dược liệu quý; sản xuất thuốc y học dân tộc; cấp cứu điều trị cho quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị rắn độc cắn.
Đây là trại rắn có quy mô lớn nhất nước, trong đó có trên 10 loài rắn độc được bảo tồn để khai thác du lịch và điều chế thuốc trị rắn cắn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo Tùng Hương (Phụ nữ TP.HCM số Tết)

Bảo tàng rắn 'độc nhất vô nhị'

Một mùa xuân mới nữa lại về. Khác với mọi năm, mùa xuân năm con rắn - Quý Tỵ 2013 thật đặc biệt với Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, bởi sự không ngừng vươn lên lớn mạnh của khu bảo tồn rắn lớn nhất Việt Nam này trong nỗ lực bảo tồn các loài rắn quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Vương quốc rắn
Trong không khí những ngày xuân, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9 (hay còn gọi là trại rắn Đồng Tâm), ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang), vẫn đang âm thầm miệt mài chăm sóc các loài rắn quí hiếm và hướng dẫn khách du lịch tham quan bảo tàng rắn “độc nhất vô nhị” ở nước ta.
Được thành lập cách đây 36 năm, tiền thân là Xí nghiệp 408, đến tháng 9/1998, được Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên thành Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9, có chức năng nghiên cứu khoa học, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất thuốc y họ dân tộc, bảo tồn cây con thuốc làm dược liệu.
Từ chỗ chỉ có 0,5 ha khi mới thành lập, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn con người, đến nay, Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9 đã mở rộng lên thành 12 ha, bảo tồn hàng chục loài rắn, với khoảng 5.000 cá thể rắn quí hiếm như: Mai gầm, hổ mang, hổ chúa, cạp nia... Hiện nay, khu Bảo tàng rắn của Trung tâm còn lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện đang sống ở Việt Nam . Cùng với sự lớn mạnh của trung tâm, đội ngũ cán bộ của đơn vị với trình độ là bác sĩ, dược sĩ đại học đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao và cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện.
Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những năm qua, trung tâm đã có nhiều đề tài và dự án cấp Bộ như: Đề tài nghiên cứu sinh lý, sinh thái của rắn; đề tài nghiên cứu thuốc chữa rắn cắn bằng cây Kim vàng; đề tài nghiên cứu thuốc chống lạnh dung đạm thuỷ phân từ thịt rắn; dự án “phát triển và khai thác nguồn gen rắn hổ đất và rắn hổ chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc; dự án “Nuôi bảo tồn rắn hổ hèo".
Đặc biệt, trung tâm còn phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Viện Văcxin và Sinh phẩm y tế nghiên cứu thực nghiệm kháng huyết thanh rắn độc, dùng để chữa trị những trường hợp bị rắn độc cắn- đây là thuốc đặc trị dùng để trung hoà nọc độc của rắn có hiệu quả cao trong điều trị cho những nạn nhân bị rắn độc cắn. Các đề tài, dự án đều có giá trị thực tiễn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được Hội đồng khoa học đánh giá cao.
Theo Trung tá Vũ Ngọc Lương, không để đến khi Sách Đỏ báo động về tình trạng săn bắt, giết thịt, kinh doanh các loại động vật hoang dã đang diễn ra ngày càng phổ biến trên thế giới trong đó có Việt Nam, thì công tác bảo tồn rắn độc, nhất là rắn hổ mang đất và rắn hổ mang chúa mới được Trung tâm chú ý. Từ năm 1999 đến nay, công tác bảo rồn gen các loài rắn độc đã được Trung tâm đặc biệt quan tâm đưa vào chương trình bảo tồn gen quốc gia.
Với mô hình nuôi bảo tồn các loại rắn độc của trung tâm hiện nay đã kết hợp chặt chẽ giữa nuôi bảo tồn và khai thác nguồn gen quí hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội. Đây là việc làm mang tính khoa học, để bảo tồn bền vững nguồn gen đang có nguy cơ tuyệt chủng, là một hướng đi đúng đắn của trung tâm trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã ở nước ta hiện nay.
Trải qua 36 năm kinh nghiệm nuôi bảo tồn rắn độc, Trung tâm đã xây dựng được qui trình khai thác nọc rắn đảm bảo nọc đủ tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ sản xuất thuốc. Nọc rắn được trung tâm dung để sản xuất thuốc dạng kem xoa ngoài da chữa các bệnh về viêm khớp, nhức mỏi xương khớp, được Bộ Y tế cấp giấy phép. Thuốc không những được lưu hành trong nước mà còn được xuất khẩu với số lượng sản xuất ngày càng tăng mang lại hiệu quả doanh thu đáng kể cho đơn vị.
“Khắc tinh” của rắn độc
Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, không những nổi tiếng là nơi nghiên cứu, bảo tồn các loài rắn qúy hiếm, mà còn được biết đến là địa chỉ tin cậy điều trị rắn độc cắn hiếm hoi cho nạn nhân bị rắn độc cắn ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn có tổng số 20 giường bệnh, với đội ngũ 11 người là cán bộ y sĩ, bác sĩ; trong số này có 3 bác sĩ. Khoa có chức năng cấp cứu và điều trị những nạn nhân là quân và dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi khác bị rắn độc cắn. Do đặc thù là vùng sông nước có nhiều loại rắn sinh sống, nên bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long thường hay bị rắn độc cắn, đặc biệt mỗi khi bước vào mùa mưa hay những tháng mùa lũ. Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng-nghiên cứu-chế biến dược liệu Quân khu 9 cho biết: Trung bình mỗi năm, Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc tiếp nhận và điều trị cho trên 1.000 trường hợp bị rắn cắn, trong đó nạn nhân bị rắn độc cắn chiếm 70%-80%, với tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối (nếu bệnh nhân chuyển đến khoa khi còn sống).

Theo các y, bác sĩ ở đây, “ bí quyết” trong quá trình điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn là “kinh nghiệm chẩn đoán” chính xác bệnh nhân bị loài rắn nào cắn để có hướng điều trị đạt hiệu quả cao. Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn khi chuyển đến trung tâm trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, nhưng bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề cộng với trình độ chuyên môn cao, nên các y, bác sĩ của Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn đã dành lại sự sống qúy giá cho nhiều người dân.
Không những là nơi điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn mà trại rắn Đồng Tâm còn là điểm tham quan độc đáo, nằm trong tour du lịch Mỹ Tho- Cù lao Thới Sơn - Trại rắn Đồng Tâm. Tại đây, du khách tận mắt chiêm ngưỡng nhiều loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn gáo,...), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, hổ mai gầm,...), những loài động vật quí hiếm như trăn, cá sấu, gấu...Hiện mỗi năm có khoảng 120.000- 130.000 du khách quốc tế và trong nước đến tham quan nơi đây. Trại rắn Đồng Tâm còn là nơi cung cấp những kiến thức và hình ảnh thực tế, sống động về loài bò sát đặc biệt này. Do đó, bảo tàng rắn đặc biệt hấp dẫn các nhà khoa học, học sinh, sinh viên, những người thích nghiên cứu, tìm hiểu về loài rắn.
Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu bảo tồn các loài rắn độc, đảm bảo về số lượng và chất lượng đàn rắn, để khai thác sản phẩm cho sản xuất thuốc phục vụ bộ độ và nhân dân. Trung tâm tăng cường đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tiến mẫu mã, đặc biệt quan tâm về chất lượng sản phẩm để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường có sức cạnh tranh cao. Trong cấp cứu rắn độc cắn, đội ngũ y, bác sĩ trung tâm nêu cao tinh thần y đức trong phục vụ bệnh nhân, tích cực tuyên truyền cấp cứu và phòng chống rắn độc cắn cho quân và dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long để mọi người biết phòng chống và tự sơ cứu khi không may bị rắn cắn.
Theo Công Trí
TTXVN


Vương quốc rắn độc

(TN Xuân) Nằm trên một khu đất rộng 12 ha vốn là căn cứ của quân đội Mỹ trước năm 1975 (nay thuộc xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang), Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 (mà người dân quen gọi là Trại rắn Đồng Tâm) có thể nói là vương quốc của các loài rắn độc.

Gọi là vương quốc rắn bởi ở đây quy tụ đủ loại, từ hổ mèo, hổ đất trông rất dữ tợn được chăm sóc cẩn thận trong những “căn nhà” kiên cố, đến hàng ngàn chú rắn lục màu xanh lá cây với thân hình dài ngoằng, nhỏ xíu, nằm cuộn mình trên những tàng cây im lìm, tưởng như rất hiền lành nhưng lại là một trong những loài cực độc. “Khủng” nhất là những “vua rắn” hổ chúa (King Cobra) và hổ mang chúa (Naja Naja). Hiện trại đang nuôi một rắn hổ mang chúa có làn da mốc thếch, đen xì nặng 12 kg và dài gần 4 m.

Rắn lục tại Trại rắn Đồng Tâm - Ảnh: H.P

“Hổ mèo cũng được xem là loài rất nguy hiểm. Loài rắn này có thể phun nọc độc xa đến 2 m và có lần chúng phun nọc ướt hết mắt kính của người chăm sóc”, một cán bộ quản lý cho biết. Vậy mà hằng tháng người chăm sóc rắn phải kiểm tra cẩn thận từng con một. Nếu chúng bỏ ăn thì phải xem miệng chúng có bị nấm không, rồi phải cạy răng ra và đút mồi vào miệng chúng. Thức ăn khoái khẩu của hổ chúa cũng là... rắn, còn hổ mang thì thích xơi cóc, nhái và chuột đồng. Để đáp ứng nhu cầu này, mỗi tuần trại phải tìm mua hàng trăm kg rắn bông súng và chuột đồng về làm thực phẩm phục vụ cho các “vua rắn”.
“Xuất phát từ việc nguồn rắn độc ở nước ta ngày càng hiếm do sự săn bắt, tận diệt của con người và môi trường sống của chúng dần bị thu hẹp. Vì thế, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo tồn các loài rắn, đặc biệt là loài rắn hổ chúa và hổ mang chúa đang nằm trong chương trình bảo tồn gien quốc gia”, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, giải thích. Ngoài rắn, trại còn nuôi bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm khác như trăn, gấu, hươu, nai, rái cá, chồn vàng, cua đinh vàng, cá sấu, đà điểu, đại bàng trắng, quạ đen, bìm bịp... như là một vườn thú nhỏ phục vụ nghiên cứu của học sinh, sinh viên, nhưng cũng rất hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.
Nơi cải tử hoàn sinh
Không chỉ là một trung tâm nghiên cứu khoa học, Trại rắn Đồng Tâm còn có một khoa chuyên cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Có thể nói từ khi thành lập đến nay, đây là nơi cải tử hoàn sinh cho hàng chục ngàn người. Nạn nhân của rắn độc hầu hết là dân nghèo vùng nông thôn, đã được các thầy thuốc mặc áo lính tận tình cứu chữa. Nhiều người được đưa tới cấp cứu vào lúc nửa đêm trong tình trạng hôn mê, trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn, không giấy tờ tùy thân, tay chân lấm lem bùn đất. Thậm chí, không ít trường hợp tới ngày ra viện người bệnh không có tiền đi xe về nhà.
“Điều quan trọng khi cấp cứu nạn nhân bị rắn cắn là phải chẩn đoán nhanh và chính xác. Đầu tiên là phải xác định rắn gì cắn, độc hay không độc. Nếu là rắn độc thì rắn hổ hay rắn lục, để chỉ định điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp khi đến trại thì bệnh nhân đã hôn mê sâu, không còn mạch. Nhưng nếu bệnh nhân còn thở thì vẫn còn có thể cứu được”, bác sĩ Lương kể.
Có một người đàn ông ở Bến Tre đi chăn bò bị rắn hổ đất cắn, nhập viện ở Bến Tre rồi được chuyển sang Trại rắn Đồng Tâm. Điều chẳng may là xe cấp cứu đang chạy giữa đường bị... chết máy, khi đến nơi thì bệnh nhân đã chết lâm sàng. Bấy giờ các thầy thuốc phải làm hô hấp nhân tạo đến khoảng một giờ sau nạn nhân mới phục hồi tim trở lại. Sau khi ra viện, người này về nhà mở tiệc ăn mừng vì vừa từ cõi chết trở về.
Hay trường hợp một học sinh (ở H.Cai Lậy, Tiền Giang) đang ngồi học bài ở nhà vào buổi tối thì bị rắn cắn rồi bị sốc không còn biết gì nữa. Nghĩ là con đã chết nên người cha không đưa đi cấp cứu, trong khi người mẹ thì nhất quyết “còn nước còn tát” nên kêu xe ôm đi. Dọc đường, anh xe ôm vì lo sợ, chạy nhanh nên bị tai nạn khiến nạn nhân bị thương một lần nữa. Khi đến nơi thì mạch không còn, các thầy thuốc phải lấy mạch ở cổ rồi chỉ định thuốc. Vậy mà 4 giờ sau em tỉnh lại. Không biết nói gì, người mẹ bất ngờ quỳ xuống lạy các thầy thuốc...          
Năm 2011 Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu và điều trị 1.176 ca bị rắn độc cắn, riêng 10 tháng đầu năm 2012 đã điều trị hơn 900 ca. Khi điều trị ở đây người dân chỉ phải trả tiền thuốc, còn tiền khám và viện phí được miễn hoàn toàn.
Nhiều năm qua Trại rắn Đồng Tâm còn bào chế nhiều loại dược phẩm quý như rượu rắn, cao rắn... dùng để chữa các bệnh về xương, khớp. Đặc biệt nhất là Cobratox, loại thuốc dùng xoa bóp với thành phần chính là nọc rắn hổ. Ngoài ra còn có mỡ trăn dùng chữa bỏng hoặc da bị nứt nẻ, bột rắn lục chữa thoái hóa cột sống... Riêng huyết thanh kháng nọc rắn do Trại rắn Đồng Tâm phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vaccine Nha Trang nghiên cứu, bào chế và cung cấp cho hệ thống bệnh viện trên toàn quốc rất hiệu quả.
Hoàng Phương



“Vương quốc rắn” của đệ nhất phương Nam

Đại tá Trần Văn Dược (Tư Dược) là “đệ nhất phương Nam” chuyên chữa cho người bị rắn độc cắn đồng thời sáng lập Trại nuôi rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Sau khi thầy rắn mất, những thầy thuốc quân y kế tục sự nghiệp của ông, nuôi các loài rắn độc để nghiên cứu, sản xuất huyết thanh, giành lấy sinh mạng con người từ tay tử thần.

Người dân vùng Đồng Tháp Mười đến giờ vẫn còn kể nhau nghe về tài nghệ chữa rắn độc cắn của thầy rắn Tư Dược. Họ kể li kỳ về cái chết của ông, rằng ông Dược (sinh năm Kỷ Tị 1929, mất năm Kỷ Tị 1989) chết lúc tập thể dục buổi sáng, giữa lúc tập huấn cho bộ đội chữa trị rắn cắn.
Vì trước đó ông bắt một con rắn hổ chúa trong vùng Đồng Tháp Mười nên con rắn còn lại theo đến tận trại rắn Đồng Tâm để “trả thù”. Rồi cũng có chuyện kể, hồi kháng chiến ở vùng sâu, có một cô gái rất xinh đẹp chừng 16 tuổi bị rắn độc cắn chết tại góc vườn.
 “Vương quốc rắn” của đệ nhất phương Nam
Đại tá Trần Văn Dược
Sau khi bắt mạch, xem vết thương của cô gái (được người nhà khiêng đến trước cửa), thầy lang phán một câu xanh rờn: “Mang về lo chôn cất đi, bị rắn hổ chúa cắn, không cứu được”. Trong lúc gia đình cô gái đang khóc lóc thảm thiết, chuẩn bị đem chôn thì y sĩ quân y Tư Dược đi ngang qua, dừng lại thăm hỏi.
Nghe xong chuyện, anh xin gia đình khoan hãy chôn, để anh chạy về đơn vị tìm lá rừng và thuốc cầm máu. Anh biết cô gái chỉ chết lâm sàng, loại độc của rắn không quá kịch độc. Quả nhiên, chưa đầy nửa giờ sau, sau khi Tư Dược giã thuốc rừng cho uống, cô gái đã được cứu sống.
Sau này, cô gái trẻ đẹp nhất mực đòi lấy anh quân y Tư Dược làm chồng, nhưng anh cương quyết từ chối vì đã có vợ con trước ngày đi tập kết, khi quay về công tác chiến đấu trong vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa liên lạc vợ con.
Anh Trần Thiện Tín, con trai trưởng của Đại tá Trần Văn Dược, cán bộ Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, cho biết, trước đây, anh có nghe bạn bè của cha mình kể sơ sơ về chuyện đó, nhưng khi hỏi thì ba chỉ cười nói: “Người ta bịa ra đó mà. Cứu người bị rắn cắn thì có thật, biết bao nhiêu người làm sao nhớ”.
Sau này, khi trại nuôi rắn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tâm được thành lập, người dân trong vùng khi bị rắn độc cắn, chỉ cần đưa đến Đồng Tâm gặp thầy Tư Dược thì coi như cầm chắc được cứu sống. Cả khi ông mất, 100% các ca bị rắn độc cắn trước 12 giờ hoặc muộn nhất 48 giờ nếu kịp đến Đồng Tâm, các y bác sĩ quân y đều cứu được.
Binh nghiệp
Năm 1954, Trần Văn Dược cùng đồng đội lên đường tập kết ra Bắc. Vợ ông, bà Phạm Thị Tranh (sinh năm 1932), khóc tiễn chồng đi. Lúc đó, bà đang mang thai anh Tín.
Ra đến Hải Phòng không lâu, ông được tổ chức phân công vượt đường Trường Sơn về Nam chiến đấu. Ông được phân công về công tác tại Huyện ủy Cái Bè. Theo anh Tín, nghề chữa rắn cắn có từ thời ông nội của anh từ miền Trung vào lập nghiệp mang theo sau đó truyền lại cha anh.
Anh kể, mẹ sinh sớm 2 tháng, cứ tưởng phải bỏ vì nhỏ quá. Nhờ ăn cháo cóc của mấy anh bộ đội mà anh lớn lên từng ngày. Khi vào bộ đội chiến đấu, hễ gặp ai từ Bắc vào, anh đều hỏi thăm về người cha có biệt tài bắt rắn, trị rắn cắn… nhưng không ai biết.
Cho đến ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, bất ngờ có anh bộ đội khoác ba lô, mang súng AK hăm hở sải bước tìm về căn nhà cũ ngày xưa anh sinh ra và lớn lên.
Sau đúng 21 năm biền biệt, những tưởng bao nhiêu niềm vui, sung sướng sẽ vỡ òa… Ai ngờ, đúng vào lúc này, người cha già mòn mỏi chờ tin Tư Dược đang hấp hối trên giường. Cha con chỉ kịp nhận ra nhau, rồi cha Tư Dược trút hơi thở sau cùng.
Lúc về Mỹ Tho tiếp quản, ông Tư Dược hỏi thăm biết con trai Trần Thiện Tín là chiến sĩ trinh sát thuộc Quân khu 8, đang truy kích tàn binh địch ở Vĩnh Long.
Cứu người
Trại rắn Đồng Tâm ngày nay trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang. Với diện tích 12 ha, trại rắn có bảo tàng rắn với hơn 40 tiêu bản được xác lập kỷ lục Việt Nam, cùng hệ thống ao chuồng rộng lớn nuôi các loại rắn dùng để nghiên cứu và lấy huyết thanh.
Đại tá Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Đồng Tâm, cho biết: Mỗi năm, Trại rắn Đồng Tâm tiếp nhận điều trị khoảng 1.000 trường hợp bị rắn độc cắn. Tỷ lệ thành công lên tới 100%”.
Mỗi năm có hơn 130.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Ít ai còn nhớ, vào ngày 27-5-1977 giữa lúc vành đai chi khu Bình Đức còn ngổn ngang bom mìn và dây thép gai, có một chiếc xe jeep của quân đội, chở 5 người đàn ông và 3 con rắn hổ chạy thẳng vào trung tâm Đồng Tâm rồi dừng lại, dựng chòi, tháo gỡ bom mìn và đóng lồng nuôi rắn.
Đội trưởng Đội nuôi rắn (thuộc Cục quân y Quân khu 9) là Trần Văn Dược, đội phó là ông Lý Văn Kiên - cha vợ anh Trần Thiện Tín. Sau khi sui gia Tư Dược qua đời, ông Kiên lên làm Giám đốc Trung tâm, sau đổi tên thành Xí nghiệp 408, đến năm 1988, nâng cấp thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu.
Năm 2005, Trung tâm được Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng Khoa cấp cứu rắn độc, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu và điều trị nội trú cho bệnh nhân trong vùng bị rắn độc cắn. Dự án phát triển Trung tâm nuôi rắn lấy dược liệu chữa trị rắn cắn là đề tài khoa học mà Đại tá Trần Văn Dược ấp ủ lúc sinh thời.
Mỹ Tho, Xuân Quý Tỵ 2013
Theo Trần Hiếu / Tiền Phong




    

0 nhận xét:

Đăng nhận xét