Những kỷ niệm của tôi tại trường
sư phạm cấp 2 Hà Tĩnh
Sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ. Tốt nghiệp ĐHSP Vinh, Nghệ An năm 1966. Đây là những năm đầu của thời kỳ máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Bộ giáo dục ( nay là Bộ Giáo và Đào Tạo ) điều động tôi về công tác tại Ty Hà Tĩnh ( Sở GD-ĐT ngày nay). Từ Ty giáo dục Hà Tĩnh ( sơ tán về xã Kim Lộc , huyên Can Lộc, Hà Tĩnh) tôi cầm quyết định của Sở điều động tôi về giảng dạy trường sư phạm cấp 2 Hà Tĩnh. Vì chiến tranh nên xe ô tô rất ít, tôi đành cuốc bộ khoảng 30km về trường sư phạm cấp 2 Hà Tĩnh ( trường sơ tán tại xã Sơn An, Huyên Hương Sơn Hà Tĩnh).
Những kỷ niệm ở trường sư phạm cấp 2 Hà tĩnh
Với tinh thần của tuổi trẻ và tinh thần trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao, tôi không những tham gia giảng dạy mà còn là cán bộ chi đoàn giáo viên, cán bộ công đoàn trường sư phạm. Máy bay Mỹ suốt ngày đánh phá các trọng điểm như cầu, phà trên các tuyến đường giao thông trọng yếu hay các đơn vị pháo cao xạ hoặc kho lương thực, thực phẩm cất giữ để chi cho chiến trường miền Nam.v.v... Tuy vậy, chúng tôi vẫn lên lớp giảng dạy bình thường. Có lúc máy bay đánh phá các mục tiêu gần trường thì toàn bộ phải xuống hầm trú ẩn. Khoảng 10-15 phút sau, máy bay đi xa, thầy trò lại trở vào lớp, học tập bình thường . Mặc dù khó khăn và ác liệt như vậy nhưng tinh thần học tập, rèn luyện của GV và giáo sinh ( bây giờ gọi là sinh viên sư phạm) không hề giảm sút. Chương trình của Bộ Giáo Dục được thực hiện đầy đủ cả lý thuyết và thực hành.
Hoạt động của chi đoàn giáo viên cũng được đẩy mạnh với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". " Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" . Tôi nằm trong Ban chấp hành chi đoàn GV, phụ trách công tác tuyên truyên.
Một trong những nhiệm vụ của cán bộ tuyên truyền là đưa thông tin từ các báo lên bảng tin của nhà trường cho giáo viên, giáo sinh và nhân dân vùng trường sơ tán nắm bắt được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội... đặc biệt là tin chiến thắng của quân và dân 2 miền Bắc, Nam. Trường sơ tán vào dân thuộc xã Sơn An . Xã chia 4 thôn :An Đông, An Hạ, An Trung, An Thượng. Chiều dài 4 thôn của xã chừng 1,0 đến 1,5km. Vì vây, phải có 4 bảng tin thuộc 4 thôn. Mỗi tuần thay 2 lần bảng tin để thông báo những tin vui đặc biệt về chiến thắng của quân dân ta trên hai miền Nam Bắc. Một mình tôi phải đọc các báo, chọn lọc tin và viết lên bảng. Tính ra mỗi tuần tôi phải viết 8 bảng ( 4x2=8).Cứ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, năm nay qua năm khác. Kể từ năm 1966 đến 1968 , tôi làm nhiệm vụ viết bảng tin mà chi đoàn GV giao một cách xuất sắc.Tôi không hề có một chút phàn nàn về công việc được giao. Nghĩ lại, tôi rất tự hào về tinh thần trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được phân công.
Một kỷ niệm khó quên trong tôi là lần đi lên rừng lấy tre, gỗ, nứa về trường để sửa sang lớp học ( lúc bấy giờ gọi là lán học). Toàn bộ lán học, mái nhà lớp tranh, xung quanh được bao bọc, che chắn bằng tường đất dày khoảng 1,0m đến 1,5 m nhằm chống mảnh bom đạn khi máy bay ném bom, bắn rocket xuống. Với nguyên liệu là tre, tranh nứa để làm lán học nên thầy và trò phải đi lên rừng chặt tre, nứa về sửa chữa lán học. Một lần tôi và một số GV của trường đi cùng với một lớp giáo sinh lên xã Sơn Hồng , huyên Hương Sơn, Hà Tĩnh lấy nứa và gỗ về sửa chữa lán học. Xã Sơn Hồng cách xã Sơn An ( nơi trường sơ tán ) khoảng 40km. Khi đi bằng đường bộ ( đi bộ chứ không có phương tiên nào khác). Khi về chở tre và nứa bằng đường thủy. Nứa được kết thành bè, trên bè chở gỗ xuôi theo khe, suối rồi ra sông Ngàn Phố về bến thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Khi bè thầy và trò đang neo đậu tại suối cách xã Sơn Hồng khoảng 7km để ngủ đêm tại đó, khỏang 1h- đên 2h sáng ở thượng nguồn có mưa nên thầy trò không biết, chỉ sau một giờ ( lúc đó khoảng 3h sáng) nước lũ ầm ầm đổ xuống, khe suối làm cho khoảng 2/3 số bè nứa vở tung, đứt dây néo trôi theo dòng thác lũ về xuôi. Lúc đó ai cũng hoảng hốt vì tất cả thành quả lao động 1 tuần lễ trên rừng bổng chốc tan hoang, mất mát. Người không bị trôi, vì không cho ai nằm trên bè mà phải lên nằm trên mặt đất ở hai bên khe suối. Mờ sáng hôm đó, người nào mất bè thì đi bộ theo dọc khe suối để tìm bè. nhóm nào bè không bị trôi thì ngồi lên bè và chèo chống để xuôi về sông Ngàn Phố. Lúc này, nước lũ trắng đục chảy cuồn cuộn, các thác nước đổ xuống rầm rầm . Bè thầy trò chúng tôi vẫn lao theo dòng thác lũ chạy xuống. Đi khoảng 3- 4km theo dòng suối thì may mắn thay, các bè nứa đều bị mắc vào cây cối hai bên suối. Mọi người xúm nhau kết lại bè rồi tiếp tục xuôi về để ra sông lớn Ngàn Phố. Trên dòng suối có nhiều thác ghềnh, có nhiều chỗ ngoặt của dòng suối gọi là "gò cánh tay". Những chỗ này rất nguy hiểm tính mạng và an toàn cho bè và người. Có bè do người chèo lái không thành thạo gặp chỗ thác hay chỗ ngoặt gò cánh tay thì phải nhảy xuống dòng suối nắm lấy bè điều chỉnh cho nó không bị lật úp hay va đập vào đá . Có bè va đập vở ra từng mảng , lúc này phải kết lại cho bè thành một khối như cũ mới xuôi về được. Nước lũ như vậy, chèo bè gian khổ lắm ,có khi quần áo rách toác ra lòi cả da thịt mà không để ý. Riêng chị em lúc đó chỉ biết cột túm vùng bị rách để tiếp tục cho bè đi về xuôi, chứ không biết làm sao được. Tôi không thể quên những hình ảnh này trong cuộc đời của tôi. Cuối cùng thầy trò chúng tôi đều mang được số bè nứa, gỗ về đến trường mà sự hao hụt mất mát do lũ không đáng kể.
Tình cảm anh em trong tổ bộ môn thật ấm cúng. Một số anh chị em quê ở Hương Sơn thường mời chúng tôi những người tỉnh khác xa quê về nhà anh em trong những ngày chủ nhật . Tôi không quên nhiều lần anh Nguyễn Xuân Mạnh mời tôi về nhà anh vừa thăm sức khỏe gia đình vừa cùng nhau dùng những bữa cơm ấm tình đồng nghiệp. Anh Hồ Sĩ Đàn cũng vậy, Những bữa cơm và xôi gà khi anh em chúng về thăm bố mẹ anh làm sao tôi quên được . Ông bà già anh Đàn thật tốt bụng, chúng tôi về ông bà xem như con ruột không một chút khách khí nào cả, mà rất thận mật tiếp chuyện hỏi han gia cảnh anh em chúng tôi xa quê.
Hình trên bên trái Nguyễn Xuân Mạnh, hình dưới bên phải
Hồ Sĩ Đàn
(Ảnhchup tại cánh đồng xã Sơn Long, huyện Hương Sơn , Hà Tĩnh khi tôi về thăm quê ngoại , thăm nơi trường cũ và gia đình hai anh vào ngày 6-4-2009).
Một số kỷ niệm bây giờ tôi không sao quên được đó là tình cảm tôi, anh Mạnh với các cô ở trường sư phạm mẫu giáo tỉnh Hà Tĩnh. Cô hiệu trưởng trường sư phạm mẫu giáo là Hòang Thị Châu Anh ( học sinh sư phạm cũ của anh Mạnh). Trường sư phạm mẫu giáo cũng sơ tán về xã Sơn Tiến, Huyện Hương Sơn ,Hà Tĩnh . Trường sư phạm mẫu giáo và trường sư phạm cấp 2 cách nhau khoảng 3km. Cứ hai tuần tôi và anh Mạnh lại lên trường cô Châu Anh chơi ( ngày chủ nhật). Chị em trường mẫu giáo đối xử với chúng tôi thật ấm tình anh em hơn cả ruột thịt. Ngược lại, các cô cũng đến trường chúng tôi vui chơi chia sẻ tình cảm, quên cả những ác liệt của chiến tranh. Cô Xuân giáo viên trường sư phạm mẫu giáo rất vui tính, hay nói hay cười, tính tình chân thật, cởi mở. Bây giờ đã vê hưu tất cả, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người sống một nơi khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn nhớ về nhau, hỏi han nhau qua điên thoại, qua bạn bè.
Hè năm 1967 là một hè tôi nhớ mãi trong ký ức của mình, năm đó, tôi( quê Nghệ An), anh Phạm Trong Khanh( Thanh Hóa ) và anh Vũ Quý Chức( Hà Nội ), ba anh em trong tổ bộ môn Sinh-Kỹ thuật nông nghiệp về quê nghỉ hè. Vì chiến tranh nên phải đi theo đường chiến lược ( đường đồi núi, đèo, dành cho người đi bộ và xe đạp). Ba anh em chúng tôi đi từ Sơn An, H. Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nơi trường sơ tán), đi về Huyện Nam Đàn , Nghệ An , vượt qua đèo Truông Mèn ( giáp ranh giữa 3 huyện :Nam Đàn , Yên Thành ( quê tôi) và Nghi Lộc. Khi ba chúng tôi vừa đến chân đèo Truông Mèn thì có người cảnh vệ tại đèo báo cho biết máy báy vừa ném bom nổ chậm tại đèo không thể đi được. Lúc đó khoảng 10h sáng, cách nơi xuất phát ( trường đóng) khoảng 60 km. Nếu về trở lại thì cũng vất vả nên anh em chúng tôi quyết định đi tiếp thế là vác xe băng qua núi mà không đi theo đường đèo nữa. Một trường hợp hí hữu, hôm đó chúng tôi nhìn kỹ bên hông đèo một qua bom nổ châm với 3 cánh dương lên khỏi mặt đất , đầu bom cắm sâu xuống đất nhưng chưa đến giờ nổ nên chúng tôi thoát chết. Trời mùa hè choi chang trên đất Nghệ Tĩnh nóng bức rát mặt vì gió lào, trên vai thì vác xe đạp, đường đi thì cây bụi cản trở, đá lởm chởm, nhưng anh em chúng tôi cứ vượt băng qua núi mà đi. Mãi đến 16 h cùng ngày mới qua được sang bên kia ngọn núi. Chúng tôi ra đường mòn lên xe đạp tiếp tục đi về quê tôi. Khoảng 20 h ngày hôm đó, anh em chúng tôi về đến nhà tôi ( xã Xuân Thành, Huyên Yên Thành, Tỉnh Nghệ An). Bố mẹ tôi vui mừng khôn xiết vì thấy tôi và hai người bạn đã về đến nhà. Người mệt nhoài sau một ngày vượt đường chiến lược, qua đèo, qua suối, nên cơm nước xong ba anh em chúng tôi đí ngủ. Đêm đó chúng tôi ngủ một giấc từ 22h đến sáng hôm sau. Đúng 5 h sáng ngày sau, hai anh Khanh và Chức lại lên xe đạp đi về Thanh Hóa và Hà Nội. Gia đình tôi tạm biệt các anh trong tình cảm yêu thương và trìu mến.
Sau này anh Vũ Quý Chức vào quân đội và hy sinh ở chiến trường. Hôm nay, tôi viết lại những kỷ niệm gian khổ này cách đây 43 năm mà anh Chức đã an nghỉ tại nghĩa trang LS nào đó với bao chiến sĩ khác, Tôi kính dâng anh dòng kỷ niệm này và chúc anh nơi suối vàng anh giấc ngàn thu. Nếu chị Quỳ vợ anh Chức đọc được đoạn hồi ký này của tôi chắc chị sẽ nhớ ra những ngày chiến tranh chị đã dám vào vùng Nghệ Tĩnh khói lửa để thăm anh Chức và các anh trong tổ bộ môn. Nhờ chị thắp cho anh Chức một nén hương thay chúng tôi cầu chúc anh an giấc ngàn thu nơi nghĩa trang.
Từ năm 1968-1974 tôi và 3 GV là Dương Lân, Đinh Nhuần và Lê Khắc Lộc được ban Giám hiệu cử vào khu sản xuất của trường để chỉ đạo việc học gắn với LĐSX . Khu LĐSX đặt tại Hố Rọ, thuộc thôn Thượng Lễ, xã Sơn Lễ, Huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh, cách nơi ăn ở và học văn hóa của trường ( xã Sơn An) khỏang 3km. Tổng diện tích khu SX khỏang 15ha gồm đất đồi, đất ruộng có nước. Chăn nuôi có 03 con trâu phục vụ cày kéo. Đối tượng cây trồng gồm cây khoai lang, cây sắn, cây lúa, cây bạch đàn ( cây trồng trên đồi sỏi cát che phủ chống xói mòn,, phủ xanh đồi trọc). Với tinh thần trách nhiệm , anh em chúng tôi không ngại khó khăn vất vả quyết đưa chất lượng giáo dục gắn với LĐSX có hiệu quả. Hàng ngày lên kế hoạch cho các lớp vào LĐSX. Anh em chúng tôi phân công nhau chỉ đạo sát sao các lớp vào LĐSX để mang lại hiệu quả giáo dục và kinh tế. Trong gian khổ anh em chúng tôi rất thương yêu nhau và qua cộng việc chúng tôi cũng được bổ sung nhiều kiến thức về tổ chức lao động, kỹ thuật trồng các loại cây, đảm bảo sức khỏe cho trâu để cày kéo. Tình cảm thầy trò càng được gắn bó qua LĐSX.
Quả đất tròn, nên đã đưa đẩy tôi và anh Dương Lân hiện nay sống tại Nha Trang , tỉnh Khánh Hòa
Thầy Hoàng Từ đang LĐSX với Giáo sinh trường SP cấp 2 Hà tĩnh tại khu LĐSX Rố Rọ xóm Thượng Lễ, xã Sơn Lễ, H. Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trong ảnh thầy trò đang vun luống trồng khoai lang ( năm 1970)
Hình ảnh Hoàng từ và Dương Lân những ngày ở khu LĐSX trường sự phạm cấp 2 Hà Tình tại Hố Rọ xã Sơn lễ, H.Hương sơn, Hà Tỉnh những năm 1968-1974
Hình ảnh Hoàng Từ và Dương Lân tại Nha Trang
( ảnh chụp 1-4-2010)
Những ngày công tác tại trường sư phạm cấp 2 Hà tĩnh là thời kỳ chiến tranh ác liệt. Nhưng trong gian khổ tinh thần " Làm việc bằng hai" " Tất cả cho tiền tuyến". Máy bay Mỹ ngày nào cũng ném bom, bắn phá. Đặc biệt nơi trường sơ tán ( xã Sơn An ) gần trục đường giao thông số 8 đi từ đường số 1 ( Bãi Vọt, nay là Thĩ Xã Hồng Lĩnh lên Lào ) có cầu Nầm cách trường 1km theo đường chim bay, xa hơn khoảng 5 km theo đường chim bay có phà Linh Cảm, có trạm bơm thủy lợi Linh Cảm, nên máy bay hàng ngày cứ lượn trên đầu các lớp học và lao xuống ném bom cầu Nầm, phà linh cảm, tram bơm nước Linh Cảm . Mặc dù không khí chiến tranh ác liệt như vây nhưng tinh thần học tập và giảng dạy của thầy và trò không vì thế mà giảm sút.
Hôm nay, trên blog này tôi gửi đến các thầy cô giáo trường sư phạm cấp 2 ( nay là trường CĐSP- Đại học Sự phạm Hà Tĩnh ) lời chúc sức khỏe và thi đua dạy tốt-học tốt.
Nói đến trường ta phải nghĩ đến thầy giáo là người quyết định chất lượng đào tạo. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Tổ Sinh - Nông của chúng tôi lúc đó có các thầy cô mà bây giờ viết Blog tôi không bao giờ quên hình ảnh và những kỷ niệm của mình đối với bạn bè trong tổ
Tổ gồm các thầy cô sau đây:
1. Phạm Trong Khanh ( quê Triệu Sơn, Đông Sơn, Thanh Hóa)
2. Vũ Quý Chức( số 75, Thuốc Bắc Hà Nội)
3. Nguyễn Đình Ái ( Can Lộc Hà Tĩnh)
4. Hoàng Từ ( Nghệ An)
5. Nguyễn Thi Long ( Hương Phố , Hương Sơn, Hà Tĩnh)
6. Hồ Sĩ Đàn ( Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh )
7. Đinh Nhuần ( Đức Lâm, Đức Thọ , Hà Tĩnh)
8. Lê Khắc Lộc ( Hương Khê, Hà Tĩnh)
9. Dương Lân ( Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh). Anh Lân thời kỳ đầu làm giáo vụ, sau vào khu LĐSX với tôi tại Hố Rọ( Thượng Lễ, xã Sơn Lễ, Hà Tĩnh)
10. Nguyễn Hoàn ( Thạch Linh, Thạch Hà, Hà Tĩnh
11. Nguyễn Thị Lý ( Hương Sơn, Hà Tĩnh )
12. Kiều Chinh ( Đức Thọ, Hà Tĩnh)
13. Nguyễn Tôn Hiền ( Tỉnh Thái Bình )
14. Nguyễn Xuân Mạnh ( Sơn Bình, Hương Sơn Hà Tĩnh). Thầy Mạnh dạy vào thời kỳ trường đạng đóng tại thị xã Hà Tĩnh, khi trường sơ tán về Sơn An, Hương Sơn thì thầy ra dạy ở trường cấp 3 Hương Sơn, Hà Tĩnh) và một số thầy cô khác cùng dạy với thầy Mạnh tại thị xã Hà Tĩnh . Khi tôi về ( 1966) các thầy cô đã chuyên đi các trường khác như thầy Đỗ Hùng (người Hà Nội.)
Vừa qua ( 6-4-20009), sau 35 năm xa cách, tôi về thăm lại ngội nhà ông bà Hoàng Phước tại Sơn An, Huyên Hương Sơn ( nơi trường sơ tán ). Ông bà đã mất, các con ông bà đã theo chồng con sinh sống nơi khác. Riêng ông bà có người con út Hoàng Thị Xanh, cán bộ ngân hàng Hương Sơn Hà Tĩnh, nay đã về hưu và bị bệnh tâm thần. Sau 35 năm về lại nơi này, không ngờ gặp lại cảnh gia đình nơi tôi ở 9 năm trời ( 1966-1974) mà lòng đau quặn, tim như muốn ngừng đập. Tôi thắp nén hương trước bàn thờ ông bà Hoàng Phước , cầu xin ông bà phù hộ độ trì cho người con gái út ông lành bệnh.
Sau đó tôi thăm hỏi các gia đình xung quanh nơi tôi ở trước đây và chào bà con ra về. Sau đó, tôi đi thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Mạnh và anh Hồ Sĩ Đàn. Cuộc gặp gỡ qua bao năm xa cách thật cảm động. Biết bao kỷ niệm ngày xưa đều được kể lại trong tiệc gặp mặt nhau tại nhà anh Nguyễn Xuân Mạnh và Hồ Sĩ Đàn
Lời nhắn: Nếu thầy cô giáo hay sinh viên đọc được những thông tin này trên blog của tôi xin hãy báo cho các thầy giáo và sinh viên chưa biết để chia sẻ những kỷ niệm của tôi với trường sư phạm Hà tĩnh
Hoàng Từ
Emai: hoangtukhang2003@yahoo.com
Blog: vn.360plus.yahoo.com/hoangtukhang2003
0 nhận xét:
Đăng nhận xét