Rú Gám là ngọn núi quê tôi. Rú Gám đã đi vào tâm tư tình cảm của tôi từ thời tuổi thơ. Quê tôi núi gọi là rú. Nếu theo tiếng phổ thông gọi là Núi Gám nhưng người dân quê tôi gọi là Rú Gám. Từ thời con trẻ, tôi nhớ như in, vào khỏang 25, 26,27 tháng 12 âm lịch hàng năm chính quyền cho dân vào Rú Gám lấy củi khô về nấu bánh chưng, lấy lá dong về gói bánh tét. Những ngày đó không khí nhộn nhịp trong Rú Gám khác thường. Hầu hết các gia đình đều huy động hết nguồn lực để lấy củi, vì đây là dịp duy nhất trong một năm mới được vào Rú Gám lấy củi khô. Tiếng cưa, tiếng búa, tiếng dao rựa chặt cây nghe râm ran hòa với tiếng cười nói, gọi nhau vọng lại làm cho hòn Rú Gám như ngày hội.Vào những năm 1940 - 1960, Rú Gám được chính quyền xã tôi bảo vệ khá nghiêm ngặt giống như bảo vệ các rừng cấm quốc gia ngày nay. Hễ có ai vào Rú Gám chặt cây tươi, hoặc cây khô ( không nằm vào thời kỳ cho phép ),săn bắt chim thú trong Rú Gám đều bị bắt và phạt khá nặng. Tôi còn nhớ một lần có người vào Rú Gám để cắt lá về đun thay rơm rạ ( cắt trộm). Vì không biết nguy trang lá cây của Rú Gám có màu xanh đậm đặc biêt khác hẵn với lá cây đứng ngoài đồi trọc nên bị phạt và tịch thu gánh lá. Nhờ vậy hệ thực vật, động vật khá phong phú. Có nhiều loại gỗ quí như lim, táu, sến, gõ, vàng tâm.v.v... những loài chim thú như gà lôi, , trĩ, công, cầy hương, hươu , nai, lơn rừng .v.v... khá nhiều. Nước ngầm từ Rú Gám chảy ra tưới cho các cánh đồng chạy dưới chân Rú Gám như Rộc Lái, Đồng Gọn.v.v... đủ nước cày cấy. Đúng như ông cha ta nói" Rừng là nước, rừng là vàng" quả không sai. Vào những năm 1960 đến 1980, Rú Gám do nhiều nguyên nhân khác nhau việc bảo vệ lỏng lẻo, thậm chí có thời gian bỏ rơi nên dân vào chặt cây, bắt chim thú tự do nên tài nguyên rừng hầu như bị cạn kiệt. Các mạch ngước ngầm cũng không còn nhiều như ngày trước, Tục ngày gần tết ân lịch vào Rú Gám hái củi khô cũng không còn nữa. Những năm gần đây do nhận thấy tác hại của phá Rú Gám nên việc bảo vệ được phục hồi. Nhân dịp tôi về quê ( 3-2009) anh em tôi lên Rú Gám thăm lại kỷ niệm xưa và cúng thần Rú Gám. Tôi thực sự vui mừng và ngạc nhiên là thảm thực vật rừng được phục hồi rất hiệu quả. Tôi vào thắp hương vái lại thần Rú Gám và trò chuyện với người canh gác bảo vệ đền Rú gám và cây xanh của Rú Gám. Trong câu chuyên có một tình tiết mang tính tâm linh . Ông bảo vệ đền nói rằng cách đây mấy năm trong xã có một người con trai lên đền vác trộm thùng công đức( thùng tiền mọi người bỏ vào mỗi khi lên cúng ) về nhà tên trộm bụng cứ trương lên, đi hêt bệnh viện này sang bệnh viên khác, thậm chí vào cả TP Hồ Chí Minh chạy chữa mà vẫn không khỏi bệnh. Biết mình bị thần trị tội nên vác thùng công đức trả lại, sau đó bụng cứ xẹp dần và trở lại bình thường. Hiện nay, vào Rú Gám cũng giống như vào các rừng Pù Mát ( rừng cấm quốc gia ở Thanh Chương, Nghệ An quê tôi), rừng Bạch Mã ( rừng cấm quốc gia ở Thưa Thiên Huế).v.v... NGhệ An có gió Lào, nêu những lúc nắng nóng bây giờ vào Rú Gám nghỉ mát cũng đỡ phần nào cái nóng khô của xứ Nghệ khắc nghiệt bao đời nay.
Rú Gám đi vào ký ức tôi một cách sâu lắng đó là những năm tháng tôi học cấp 3 tại huyện Diễn Châu. Mỗi khi về nhà, đến cầu Bùng ( nằm trên quốc lộ I ) cách nhà tôi 14 km về phía tây tôi đã nhìn thấy ngọn Rú Gám. Đặc biệt khi về đến Cầu Sở, Cầu bà , nằm trên quốc lộ 38 cách nhà tôi 6-8 km thì Hòn Rú Gám và ngọn cây trôi ( cây cổ thụ trên Chùa Gám quê tôi ) hiện lên sừng sừng trước mặt như có cảm giác đã sắp về đến nhà rồi.
Hòn Rú Gám quê tôi ( ảnh Hoàng Đình Độ cung cấp ). Từ xa ( 14 km )dưới Cầu Bùng, huyện Diễn Châu khi nhìn lên quê tôi về phía Tây đã thấy ngọn Rú Gám như thế này nhưng mờ hơn
Mời các bạn xem bài viết về Rú Gám quê tôi của ông Hoàng Đình Độ hiện sống tại làng Kẻ Gám , nay là xã Xuân Thành quê tôi
Tên làng, tên núi mang tên một loài cây
Theo truyền thuyết của làng Kẻ Gám nói rằng Rú Gám từ xa xưa gọi là núi Phượng Sơn , vì đứng từ xa trông giống như con chim phượng đang tư thế vỗ cánh, ở trên đỉnh núi có gò đất giống đầu chim Phượng, dân làng gọi là Hòn Nhơn hay Nhôn Sơn.
Tên làng buổi đầu mới thành lập gọilà Chân Cảm. Chân là chân thật, vững chải, trường tồn, Cảm là đông vui, trù phú . Cách nay hơn 1.400 năm có ông Lý Thiên Cương, con cháu nhà tiền Lý: Lý Nam Đế (541-602) về chân núi Phượng Sơn chiêu dân, khai đất lập điền trang, đặt tên trang ấp là Trang Cảm, sau đổi tên là Chân Cảm , vì thuộc quận Cửu Chân.
Nhờ long mạch tốt, có sông suối, thế núi long chầu hổ phục, đồng ruộng bình địa, nhờ thiên địa nhân hòa mà dân làng làm ăn no đủ; vì vậy dân các nơi khác tụ tập về đây làm ăn ngày một đông vui trở thành làng lớn nhất Châu Diễn xưa. Nhưng điều kiện canh tác hồi đó còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm hạn hán lớn nhân dân vào núi Phượng Sơn đào củ hoài sơn ( củ khoai mài), hái quả rừng để ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây Gắm. Quả hình chùm, hình dạng giống quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay ngô, khoai, sắn để qua lúc bần hàn. Những năm mưa thuận gió hòa cây gắm cho nhiều quả nhân dân thu hái về phơi khô làm lương thực dự trử như khoai sắn.
Để nhớ ơn làng, ơn núi cho cây có quả cứu người lúc đói kém giáp hạt, người dân trong vùng đã đặt tên núi và tên làng là Gắm. Cũng có ý kiến cho rằng để tránh tên húy cây thiêng nên từ Gắm đổi sang Gám. Ngày nay dân không dùng quả Gắm thay lương thực nữa nhưng đến mùa hoa cây Gắm nở trắng rừng, tỏa hương thơm dịu ngọt như để nhắc nhở thế hệ sau nhớ đến cội nguồn, ông cha xưa một thời lam lũ, vật lộn với thiên nhiên, thú dữ, với thủy hỏa đạo tặc để xây đắp nên kẻ, nên làng phồn thịnh như ngày nay.
Núi thiên văn
Tháng tám vành đai
Tháng hai chóp mũ
Đó là câu ca của người dân quê tôi được truyền tụng qua nhiều thế hệ về hiện tượng thiên nhiên: Mây mù ở Rú Gấm để đoán biết thời tiết nắng mưa trong ngày.
Đã từ xa xưa, khi chưa có các phương tiện nghe nhìn, cũng như thông tin dự báo thời tiết. Người dân quê tôi làng Kẻ Gám, nói đúng hơn nhân dân 3 huyện: Yên Thành, Diễn Châu và Đô Lương muốn giải quyết công việc gia đình có liên quan đến nắng mưa của trời trong ngày đều nhìn về Rú Gám xem độ che phủ của mây mù để đoán biết chính xác năng mưa trong ngày. Đến nay mặc dù có đầy đủ Báo, Đài, thông tin dự báo thời tiết, nhưng người dân quê tôi không quên kinh nghiêm quí báu của ông cha để lại. Tuy đến nay trên 60 tuổi, đầy đủ phương tiện nghe nhìn, những lúc có công việc hệ trọng, liên quan đến thời tiết nắng mưa, tôi vẫn nhìn về Rú Gám, vì đây là Đài khí tượng thiên nhiên nơi tôi sinh sống , là quà tặng của tạo hóa ban cho người dân quê lúa. Niềm tự hào của dân làng Kẻ Gám yên Thành xứ Nghệ.
Tuy nhiên mỗi mùa có cách quan sát khác nhau:
“Tháng hai chóp mũ”
Khoảng hạ tuần tháng giêng, đến cuối tháng hai âm lịch, nói đúng hơn vào tiết Thanh minh hàng năm, chúng ta nhìn lên Rú Gám thấy mây mù che phủ đỉnh núi tựa như chiếc mũ trắng của ông già NOEL thì ngày đó có mưa trong vùng phụ cận. nếu mây tà tà xuống thấp sẽ có mưa hạt, hoặc kéo dài trong ngày. Nhưng trời có đầy mây mà đỉnh Rú Gám vẫn quang đảng, thấy có màu xanh của cây, thì trời không mưa trong vùng phụ cận
“ Tháng tám vành đai”
Từ thượng tuần tháng 8, đến trung tuần tháng 9 âm lịch, hàng năm nhìn về Rú Gám, ta thấy một dải mây chạy ngang hông núi, kéo dài từ trái sang phải hông núi. Mây bồng bềnh trôi nhè nhẹ, trông rất thơ mộng, làm cho ta liên tưởng đến Sa Pa, Đà Lạt, Pù Mát, vì đều có hiện tượng này, hôm đó trời co giông hay mưa to.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, được nhân dân quê tôi và các vùng lân cận vận dụng trong cuộc sống và sản xuất. Người dân huyện Đô Lương có kinh nghiệm “ Mây Rú Gám không dám đi cày”, còn người dân đi biển huyện Diễn Châu, Nghi Lộc lại có câu nhắc nhỡ nhau ”Mù Rú Gám không dám ra khơi”
Rú Gám có gần 150 ha rừng nguyên sinh đang được bảo tồn ở xã Xuân Thành, Huyện Yên Thành. Do ưu đãi của thiên nhiên, cùng với tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm trước tài sản vô giá mà cha ông để lại. Người Kẻ Gám luôn giữ màu xanh nguyên sơ của Rú, vì vậy còn có tên là Xanh Gám.
Rú Gám có thảm thực vật đa dạng chúng sống phân tầng rõ rệt: Họ Dương xỉ phủ kín mặt đất, nhóm cây leo như mây, song, gắm. chạc chìu.v.v…Loài thân gỗ quý hiếm như Trắc, gõ, gió bầu, cây dẻ, trường mật. Ngoài ra có 45 loài cây làm dược liệu quý như: Hoài Sơn, lá khôi, nến trầm rễ hương… Động vật cũng khá phong phú. Hiên nay nhiều loài quý hiếm còn sinh sống ở đây như cầy hương, gà rừng, sóc, chồn, cáo, chim yểng, vẹt núi, chim sáo, cú mèo…
Cách đây trên 10 năm có cả lợn rừng ra quậy phá nương vườn của các hộ dân dưới chân núi.
Hai bên chân núi Bắc và Nam , có mạch nước phun trào, tạo nên vùng sình lầy. Các cụ xưa bảo rằng đây là hai con mắt của rồng, vì Rú Gám có gò đất đứng từ xa cảm thấy như đầu rồng, ở giữa núi có dãy đá vôi trắng bạc, dân quê tôi gọi lá Đá Bạc. truyền thuyết dân làng nói rằng: Đây là dải yếm của nữ thần Bạch Thạch, thiên linh, đẳng thần.. Dưới chân hòn núi có thờ thần đá, thần núi.
Rú Gám quê tôi còn có tên Xanh Gám vì cây côi xanh tươi quanh năm. Trên nền màu xanh của đồng lúa non có con đường quốc lộ 38 chạy từ Cầu Bùng về qua xã tôi rồi nối với đường số 7 để lên Lào
Rú Gám không chỉ là di sản của địa phương xã Xuân Thành, mà còn là của quốc gia. Một địa danh du lịch sinh thái, hấp dẫn cần được đầu tư, khai thác tiềm năng to lớn này.
Xuân thành, ngày 15-02-2006
Hoàng Đình Độ
Là người con xa quê hương từ năm 1966, tôi không bào giờ quên những hình ảnh về quê hương thân thương đặc biệt là Rú Gám. Mong rằng với bài viết của tôi và ông Hoàng Độ trên Blog của tôi hôm nay xin gửi đến lãnh đạo xã Xuân Thành quan tâm hơn nữa việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của Rú Gám để góp phần bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ Rú Gám nói riêng của xã ta.
Bài viết này tôi xin tặng lại bà con quê hương Yên Thành nói chung, xã Xuân Thành nói riêng làm món quà kỷ niệm người con quê hương nhớ về cội nguồn. Tôi cũng tặng cho anh em đồng hương Yên Thành đang sinh sông xa quê hương để chia sẻ những tình cảm với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Địa chỉ của tôi:
Mail : hoangtukhang2003@yahoo,com
Blog: vn.360plus.yahoo.com/hoangtukhang2003
0 nhận xét:
Đăng nhận xét