Hồ nước màu hồng Hillier trên đảo "Middle Island" thuộc quần đảo Recherche ở Tây Úc nổi tiếng với sắc hồng tươi thắm được nhà thám hiểm người Anh Matthew Flinders phát hiện vào năm 1802. Hillier là hồ muối có độ mặn cao, dài 60m, nằm giữa lòng một khu rừng bạch đàn, được muối kết tụ bao quanh hồ và tách biệt với biển bởi một dãy cát trắng. Nước trong hồ là một màu hồng rõ nét.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng sắc hồng của hồ Hillier xuất phát từ đáy hồ. Tuy nhiên, khi đổ một ít nước hồ vào một cái ly, sắc hồng của nước vẫn hiện rõ. Cho đến nay, chưa ai xác định được nguồn gốc của màu hồng ở hồ Hillier dù có nhiều giả thuyết được đưa ra, và đây được xem là một trong những bí ẩn lớn nhất trong giới khoa học.
Hồ nước màu hồng Hillier ở Tây Úc - Ảnh: wordpress
Mạch nước phun bay (Fly Ranch Geyser) nằm ở thung lũng Hualapai Flat (vùng sa mạc Đá Đen), bên đường số 34, cách Gerlach-Empire, hạt Washoe, bang Nevada (Mỹ) khoảng 32 km về phía bắc.
Trên một vùng đất thuộc sở hữu tư nhân, ba mạch nước nhỏ hình nón phun cao hơn 3m, dòng nước khoáng bắn lên trời rồi rơi xuống những ao hồ hình bậc thang. Các cấu trúc carbonat trong nước khoáng tỏa ra những màu sắc rực rỡ, từ đỏ sang cam rồi ngả vàng kết hợp với màu xanh của tảo dưới nước tạo nên một lớp áo đa sắc màu óng ánh bao phủ khu vực này.
Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả cư dân Nevada cũng ít có người biết đến nơi này! Càng ít ai biết từ năm 1916, người ta đã đào một cái giếng lấy nước, nhưng dòng nước nóng tại đây không phù hợp cho việc tưới tiêu. Sau nhiều lần thử nghiệm, ba mạch nước phun đã được tạo ra và được nhiều người liên tưởng đặt tên "Ba chư Phật".
Mạch nước phun ở bang Nevada - Ảnh: amazingezone
Nằm xa tít phía cực tây bắc vùng Tây Úc, những dãy núi Bungle Bungle có chóp tròn ở công viên quốc gia Purnululu dễ khiến du khách liên tưởng đến hình ảnh của một bộ phim thần thoại bay bổng nào đó.
Tuy hình thành từ hơn 350 triệu năm trước nhưng ngoài cộng đồng thổ dân địa phương Kija sinh sống trong vùng, ít người biết đến sự tồn tại của dãy núi Bungle Bungle trước những năm 1980. Cho đến nay, các địa tầng dày đặc khoáng chất silic và địa y, sa thạch bị xói mòn trong hàng chục triệu năm của Bungle Bungle là một trong những điều huyền bí được giữ kín kẽ nhất ở Úc.
Những ngọn núi đá vôi hình nón vươn cao xen lẫn với những kiến tạo địa chất sa thạch tạo nên những hình ảnh đa dạng vượt trội về quy mô và mức độ, xứng danh một kiệt tác thiên nhiên tuyệt mỹ, nổi bật trên một thảo nguyên bán khô hạn của công viên Purnululu.
Hiện địa danh này trở nên quen thuộc trên bản đồ du lịch Úc và được quốc tế công nhận qua việc được ghi danh vào danh sách di sản thế giới.
Dãy núi Bungle Bungle ở Tây Úc - Ảnh: Fotolia
Một chân núi trong dãy Bungle Bungle - Ảnh: willgoto
Nằm trên diện tích khoảng 1,7 ha ở Nowe Czarnowo, ngoại ô thành phố nhỏ Gryfino, phía tây vùng Pomerania (Ba Lan), rừng cong Krzywy là một hình ảnh độc đáo của thiên nhiên.
Phần gốc của khoảng 400 cây thông trong rừng bị biến dạng hoàn toàn, trong đó có một số cây hơn 80 năm tuổi, cao 12m. Cây vẫn tăng trưởng theo phương thẳng đứng, nhưng phần gốc cao khoảng 40cm so với mặt đất bị cong đến 3m và tạo một góc 90 độ. Có nhiều lý giải về hình dạng khác thường của rừng cây Krzywy.
Trong đó có giả thuyết cho rằng rừng thông cong được trồng vào năm 1932 để phục vụ nhu cầu sản xuất bàn ghế gỗ có dạng tròn. Với giả thuyết khác của nhóm khoa học gia người Đức thì đây là thành quả của một kỹ thuật nông lâm kết hợp trong việc tạo ra những cây thông Giáng sinh... Nhưng dù với giả thuyết nào, Krzywy vẫn là khu rừng cong duy nhất và là di tích độc đáo của thế giới.
Rừng cong ở Ba Lan - Ảnh: Fotolia
Sa mạc Pinnacles nằm giữa công viên quốc gia Nambung thuộc Tây Úc, là một dải đất khô cằn được điểm xuyết hàng ngàn tảng đá vôi cổ xưa, trong đó tảng đá cao nhất gần 4m. Vào mùa xuân, hệ thực vật bừng nở cùng với hình ảnh những tảng đá bị xói mòn bởi mưa gió với kích thước đa dạng tạo nên một phong cảnh siêu nhiên kỳ ảo cho vùng sa mạc Pinnacles.
Theo các nhà địa chất học, đá vôi nơi dây có tuổi đời từ 30.000 năm. Khi những thủy thủ đầu tiên người Hà Lan nhìn thấy những tảng đá này từ ngoài khơi, họ còn tưởng rằng đã phát hiện những vết tích của một thành phố cổ! Do chỉ cách thành phố Perth 200 km về phía bắc và có thể chiêm ngưỡng biển cả từ đỉnh cồn cát, sa mạc Pinnacles đang là một điểm hẹn của dân du lịch tứ xứ.
Sa mạc Pinnacles - Ảnh: Fotolia
Kim Tự Tháp của các Pharaon da đen ở Nubia, phía bắc Sudan. Nếu như các kim tự tháp ở Ai Cập đã nổi tiếng trong thế giới du lịch thì ngược lại, các kim tự tháp ở Sudan vẫn còn nằm trong bóng tối dù Sudan có gần 220 kim tự tháp và một số đã được xếp vào danh sách di sản của UNESCO.
Tại Nubia, các nhà khảo cổ đã khám phá 35 kim tự tháp có kích cỡ không đồng nhất và cấu trúc cũng khác nhau. Trong đó, những kim tự tháp lớn nhất có phần chân đế rộng 7m và chân đế các kim tự tháp nhỏ nhất chỉ 75cm. Theo giới nghiên cứu, dường như đây là phần mộ dành cho trẻ em.
Những vết tích cho thấy đây là khu mộ cổ lớn nhất trong vùng với tuổi đời khoảng 2.000 năm, khoảng thời gian vương triều Kush phát triển mạnh mẽ và có biên giới kéo dài đến Ai Cập. Hiện nay, nhiều kim tự tháp bị hư hỏng nặng. Một số bị mất mái và bị cướp phá gần như hoàn toàn. Dù vậy, cho đến nay, Sudan vẫn đang giữ kỷ lục về số lượng kim tự tháp.
Các Kim tự tháp ở Sudan - Ảnh: Fotolia
Hồ Xanh có độ sâu trung bình 70m với làn nước luôn đổi màu nằm trong hõm một ngọn núi lửa đã tắt ở vùng núi Gambier, vùng Nam Úc. Nước trong hồ thay đổi theo thời tiết và những hoạt động của vi sinh vật dưới đáy hồ, từ xanh thẫm sang xám thép. Một đặc trưng khác là nước hồ Xanh nằm trong số các hồ nước phản chiếu ánh sáng rạng rỡ nhất thế giới.
Theo ngôn ngữ thổ dân địa phương, hồ có tên gọi là "Waawor". Nước trong hồ tinh khiết nên là nguồn nước sạch cung cấp cho dân trong thị trấn. Từ tháng 12 năm trước đến tháng ba năm sau, nước hồ nhuốm sắc xanh ngọc lam rực rỡ. Thời gian còn lại trong năm, màu xám kim loại ngự trị mặt hồ. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Các nhà khoa học cho rằng các phản ứng hóa học từ nhiệt độ chênh lệch cao giữa các lớp nước (khoảng 20 độ C) đã dẫn đến hiện tượng nước ánh xanh. Sự di chuyển của vi sinh vật trong hồ diễn ra suốt các mùa và kéo dài cả ngày có thể đóng vai trò tạo ra những thay đổi màu sắc của tầm nhìn xa đến hồ.
Từ một con đường mòn dành cho người đi bộ, du khách dễ dàng tham quan vòng quanh hồ và có được vô số điểm cho phép chiêm ngưỡng làn nước xanh độc đáo tuyệt đẹp của hồ Xanh cũng như cảnh quan chung quanh miệng núi lửa.
Hồ Xanh ở vùng Nam Úc - Ảnh: tripadvisor
Hồ Spotted với khả năng chữa bệnh nằm gần Osoyoos, bang British Columbia và là nơi nóng nhất Canada. Sotted gồm nhiều hồ tròn chứa đầy khoáng chất khác nhau nên màu sắc trong hồ cũng khác nhau. Điều kỳ lạ nhất là nước hồ bốc hơi hoàn toàn vào mùa hè nên được cho là hồ gây ảo giác nhất thế giới.
Thời điểm này, hồ cạn khô, các khoáng chất trong hồ kết tinh, tạo thành những vòng tròn giam hãm những dòng nước còn sót lại. Trên mặt hồ là vô số vòng tròn khổng lồ bao phủ với những sắc màu thay đổi tùy theo khoáng chất chứa trong đó với nồng độ rất cao như muối vô cơ MgSO4, CaCO3, sulfat sodium, bạc, titan... Vì vậy, từ lâu hồ Spotted được biết đến như một nơi trị liệu bệnh tuyệt hảo.
Những cư dân bản địa đầu tiên trong vùng gọi đây là "KT Lix" (nước và bùn chữa bệnh) nên quy định vùng hồ là nơi linh thiêng nhất để tổ chức các nghi lễ quan trọng trong vùng... Từ năm 2001, khu vực này đã thuộc quyền sở hữu riêng, nhưng du khách vẫn nhìn thấy rất rõ khu vực hồ từ đường lộ.
Ở 15 km cuối cùng của đường cao tốc số 3 đến Osoyos, du khách có thể chiêm ngưỡng hình ảnh của ba chiếc hồ nhỏ có cùng hiện tượng trên.
Hồ Spotted ở Canada thời điểm khô hạn - Ảnh: Flickr
Hồ Spotted với những sắc màu khác nhau - Ảnh: fotosearch
Rio Tinto, dòng sông đỏ thắm xuất phát từ vùng núi Sierra Morena ở vùng Andalusia, Tây Ban Nha. Rio Tinto có độ axit rất cao (pH 2,2), giàu kim loại nặng và gần như hoàn toàn thiếu oxy. Do chất sắt hòa tan trong nước nên nước sông có màu đỏ thắm đến tận đáy và tính chất đặc trưng cũng đã ấn định tên cho dòng sông.
Tính axit trong nước sông được cho là kết quả của các hoạt động khai thác khoáng sản đồng, vàng, bạc... diễn ra từ trước Công nguyên tại địa phương, nhưng các phân tích gần đây xác định rằng các loại vi khuẩn cực trị (sinh vật hữu cơ hiếu khí sống ở những điều kiện đặc biệt khắc nghiệt) là tác nhân.
Dòng sông uốn khúc từ các ngọn núi vùng Andalusia đến tận Đại Tây Dương. Và tuy người dân xa lánh vùng nước sông đỏ Tinto nhưng đây là nơi hội tụ của các nhà khoa học nghiên cứu về sự sống của vi khuẩn nhằm hiểu rõ hơn cuộc sống của Sao Hỏa.
Với dân du lịch, đây là một dòng sông đáng để lưu vào bộ sưu tập những điểm đến có một không hai trên thế giới!
Dòng sông đỏ thắm Tinto - Ảnh: justthetravel
Hồ trong sa mạc (còn gọi là hồ Trăng Lưỡi Liềm) trong vùng sa mạc Mingha chỉ cách thành phố Dunhuang, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) 3km về phía nam. Trong nhiều thế kỷ trước, ốc đảo tự nhiên dài khoảng 100m và rộng 25m này đã giúp những mệt nhọc của các đoàn thương buôn trên tuyến Con đường Tơ lụa như tan biến theo gió sa mạc. Trong hồ còn có nhiều cây thủy sinh và cá.
Bao quanh hồ Trăng Lưỡi Liềm là những đụn cát khổng lồ với nơi cao nhất đạt đến 1.715m. Mặc dù có những cơn bão cát rất mạnh nhưng từ nhiều thế kỷ qua, chưa bao giờ hồ Trăng Lưỡi Liềm bị cát vùi lấp. Những đụn cát sa mạc Mingsha nhô cao hơn 250m hướng về phía hồ đã mang lại một ấn tượng kỳ vĩ với hình ảnh những hàng dương quanh hồ chấm phá cho vùng sa mạc dài ngút mắt.
Khi cơn gió thổi qua các đụn cát vàng, những âm thanh vang lên dễ khiến du khách liên tưởng đến những tiếng hát của cát. Hiện địa danh này rất được du khách ưa chuộng khi có nhiều hoạt động phục vụ du lịch được triển khai như cưỡi lạc đà, trượt cồn cát hay chơi dù lượn từ đỉnh cồn cát... Bên cạnh đó, ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn từ hồ Trăng Lưỡi Liềm cũng để lại những hình ảnh khó phai trong lòng du khách phương xa...
Hồ trong sa mạc - Ảnh: Flickr
0 nhận xét:
Đăng nhận xét