+084 98 504 7377 hangpham9890@gmail.com

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Những năm tháng trên ghế nhà trường phổ thông và đại học ( bai blog cu sang )

23:30

Share it Please




Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường từ cấp I đến Đại học là chặng đường vừa gian khổ nhưng  đầy ắp những kỷ niêm của  đời tôi.
Sinh ra và lớn lên ở Xứ Nghệ vốn có truyền thống hiếu học nhưng về điều kiện  vật chất giúp tôi học tập không hề đơn giản chút nào.
Trước khi nói cụ thể về những kỷ niệm đời học sinh phổ thông và đại học, tôi xin  nêu tổng quát hệ thống giáo dục phổ thông thời  của tôi:
Hệ thông giáo dục phổ thông gồm 10 năm, trong đó :
Câp I: 04 năm: Từ lớp 1 đến lớp 4
Cấp II: 03 năm: Từ lớp 5 đến lớp 7
Cấp III: 03 năm: Từ lớp 8 đến lớp 10
Thời kỳ ngồi trên ghế  nhà trường cấp I của tôi:
 Ngày tôi còn trên ghế nhà trường cấp I, trường đặt ngay trong xã nên việc đi lại học tập cũng thuận tiện. Trường đóng tại Đình chợ Gám quê tôi và một số lớp nằm rải rác trong xã. Trường được xây tường, lợp ngói  khang trang so với thời đó. Ngày đó có các thầy ở tỉnh khác như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh hay huyên khác trong tỉnh về dạy. Các thầy rất chăm lo việc dạy học trò nên phần lớn sau này đều trưởng thành và có người giữ các chức vụ cao trong quân đội, chính quyền .v.v... Từ 1954-1956 tôi phải nghỉ học vì gia đình bị quy sai là địa chủ. Đây là thời kỳ gian khổ về tinh thần và vật chất của tôi cũng như gia đình. Tôi phải đi ở chăn trâu cho các gia đình trong xóm, xã để sống qua ngày . May mắn thay, hồi đó có thầy Hiệu trưởng câp I là thầy Phan Đăng Thúy (quê xã Hoa Thành), thấy tôi bị bỏ học, thương cảm hoàn cảnh và thầy đã cho tôi vào học những năm cuối tiểu học.Nếu không có tình cảm yêu thương con trẻ, lòng nhân ái của thấy Thúy chắc việc học của tôi sẽ gặp nhiều trắc trở. Một người thầy cấp I tôi không quên đó là thầy Bài. Thầy rất thân mật với gia đình tôi. Ngoài tình phụ huynh ( bố mẹ tôi ) với thầy giáo còn có tình cảm như người con của gia đình . Hàng năm gia đình tôi đều đến nhà thầy thăm hỏi sức khỏe và chúc tết hay mừng ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo- bây giơ ta lấy ngày đó làm ngày Nhà Giáo VN ( 20-11). Những năm sau thầy không dạy tại xã tôi nữa nhưng mối quan hệ vẫn rất thân thiết như hồi thầy còn dạy tại xã tôi.
Sau sửa sai, gia đình tôi được trả lại thành thành phú nông và nhà cửa vườn tược cũng được bàn giao lại từ những gia đình được ở tại nhà tôi.
 Những năm tháng học cấp II: Từ năm 1957-1960 tôi học  trường cấp 2 đặt tại xã Hoa Thành, Huyên Yên Thành. Lúc đó cả huyên Yên Thành mới có một trường câp II. Trường cách nhà tôi khoảng 4 km( địa điểm trường đặt tại Đình Bảo- xã Hoa Thành ). Hàng này tôi  phải đi  và về 2 lần có khi 4 lần vì có ngày phải tham gia lao động, hay tham gia các sinh hoạt khác trong nhà trường. Tính ra mỗi ngày phải đi bộ 8km hay 16km ( 4x2=8km hay 4x4=16km ). Cũng chính khoảng cách này mà mỗi ngày tôi đi trên đường tranh thủ đọc các cuốn tiểu thuyết, ôn lại lý thuyết các bài văn, toán, lý hóa, sinh v.v... Có thể nói các cuốn tiểu thuyết phần lớn tôi đọc vào thời gian học cấp 2 như: Thép đã tôi thế đây;Sông đông êm đềm, Bỉ vỏ, Tắt đèn, Tố Tâm, Số đỏ.v.v...
 Nhớ về các thầy giáo cấp 2 hồi ấy tôi không thể quên những hình ảnh tận tụy chuyên môn của các thầy như  thầy Phan Huy Xí, thầy Khương ( thầy chủ nhiệm lớp tôi ), thầy Bá, thầy Tốn, thầy Quang Huy. thầy Đối, thầy Thể, thầy Vĩ. v.v... Một kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi về hình ảnh người thầy chủ nhiệm của mình là thầy Khương dạy văn. Thầy dạy rất hay, phân tích những tác phẩm văn học, những đoạn văn giàu tính nhân văn mà bây giờ tôi vẫn nhớ. Không những thầy giỏi chuyên môn văn học mà thầy còn là nhà giáo dục tuyệt vời. Học sinh có khuyết điểm, thậm chí có những sai sót đáng mức kỷ luật nặng nhưng thầy ân cần khuyên bảo phân tích khuyết điểm  để học sinh tự suy nghĩ sữa chữa không tái phạm những lần sau mà thầy không la mắng hay dùng biện pháp cứng rắn như nhiều thấy cô khác.  Hình thức giáo dục của thầy  mãi đến bây giờ tôi không bao giờ quên được. Hôm nay trên trang blog này em kính mong thầy cùng con cháu vui khỏe, chúc thầy trăm năm vui bên con cháu tại quê nhà. Gần 50 năm rồi nhưng hình ảnh thầy em không bao giờ quên.
Những người bạn thân mật hồi cấp II là anh Thái Duy Trấp, Nguyễn Thị, Nguyễn Bàng, Thái Duy Định, Phan Thị Mai, Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Thị Sương, Nguyễn Thị Tân.v.v... Đặc biệt 3 người: tôi, Nguyễn Thị và Thái Duy Trấp thành một nhóm học tập và chơi đàn, sáo với nhau. Say sưa đến mức chúng tôi tự chế ra đàn, sáo , nhị để  ca  hát và đánh đàn. Nhiều đêm học nhóm tai nhà tôi rồi ngủ luôn sáng mai về  ăn sáng và đến trường học tập.

Những năm tháng học cấpIII: Từ năm 1960-1963 tôi học cấp III tại Huyện Diễn Châu. Vào cấp 3 phải qua một kỳ thi tuyển. Ngày ấy 3 huyện :Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu  mới có 1 trường cấp III  tại Diễn Châu. ( cách ngã ba Diễn Châu 300m ). Ngày nay trường cũ không còn nữa mà các cơ quan huyện Diễn Châu sử dụng đất làm nhà công vụ, còn trường cấp III mở nhiều trường tại các địa điểm thuận lợi cho học sinh từng vùng miền đi học. Mỗi lần từ Hà Tĩnh hay Nha Trang về quê tôi đều nhìn vào trường cũ nơi mình đã 3 năm đèn sách vất vả và lòng bồi hồi nhớ lại thầy cô giáo cũ và bạn học ngày xưa. Nhưng mái trường xưa không còn nữa, dành chỗ cho các ngôi nhà dân và của cơ quan huyện Diễn Châu. Mặc dù vậy, tôi vẫn hình dung toàn bộ ngôi trường  và đặc biệt phía trước  trường là sân trường chạy dọc theo đường quốc lộ sô I chừng 100m rất thoảng đáng , trông trường rất đẹp.
Trường cấp III Diễn Châu cách nhà tôi khoảng 20 km,  vì vây phải ở trọ  tại xã Diễn Tiến, Huyện Diễn Châu để học. Tôi cùng anh Trần Chí Liêm cùng xã và cùng trọ một nhà. Anh Liêm học hơn tôi một lớp, anh đã liên hệ với gia chủ cho tôi cùng trọ một nơi để đi về cho vui. Ông chủ nhà trọ  tên là Hoàng Lược coi anh em tôi như con ruột. ba người con gái của gia chủ xem chúng tôi như anh em ruột  (Hoàng Thị Phước, Hoàng Thị Sung, Hoàng Thị Túc ). Chúng tôi việc  lo học tập còn các việc khác trong nhà có  3 người con gái tự lo cho chúng tôi như nấu cơm, giặt  quần áo, quét dọn nhà cửa.v.v...
Mỗi tháng anh em tôi chỉ mang 15kg gao gửi ông bà lo cơm nước, thức ăn  dùng chung với gia đình. Nhiều anh em cùng học trọ như chúng tôi thì ngoài 15 kg gạo rồi phải mang thức ăn, hay đóng thêm tiền cho nhà trọ, nhiều khi phải nấu cơm và giúp gia chủ các việc khác. Mỗi tháng chúng tôi về nhà lấy gạo một lần. Những lần về quê để lấy gạo tôi và anh Liêm cuốc bộ 20km . Vào  mùa mưa lụt (tháng 8,9,10 hàng năm), nhiều lần gặp mưa lũ, nước mênh mông, con đường tỉnh lộ 38 nối từ Cầu Bùng ( thuộc quốc lộ 1, huyện Diễn Châu)  về đường số 7 qua Yên Thành hầu hết ngập nước , đặc biệt đoạn từ cầu Sở về cầu  Bà  nước ngập đến mái nhà dân, nhưng chúng tôi vẫn lội nước để về nhà lấy gạo. Anh em chúng tôi cứ nhắm 2 hàng cây ven quốc lộ làm chuẩn để đi. Có đoạn ngập đến ngang ngực, nước chảy xiết  chân phải bấm chắc mặt đường mà đi, đầu thì đội cặp sách vở cùng với quần áo dài mặc ngoài, nếu không may ngã xuống, sách vở ướt sủng về nhà phải đem phơi cho khô. Cứ như thế 3 năm trời ròng rã, chịu đựng biết bao nhiêu điều khó khăn, gian khổ để học hết câp III. Nhiều anh em phải bỏ học vì nhà gặp khó khăn, không đủ gạo, tiền  mang đi hàng tháng.
Năm 1970 tôi dạy tại trường sư phạm cấp 2 Hà Tĩnh đưa vợ mới cưới về quê nội Nghệ An và vào thăm gia chủ . Đây cũng là lúc thuận lợi để vơ tôi biết được nơi tôi ở trọ được gia đình giúp đỡ tôi ăn học cấp III.
Sau gần 40 năm vào dịp 3-2009 tôi từ Nha Trang về thăm lại gia đình thì ông bà đã mất. Người con gái đầu của ông bà là Hoàng Thị Phước ở tại quê nhà nhưng làm nhà khác  để sinh hoạt còn nhà cũ ngày xưa tôi ở trọ thì dùng nơi thợ cúng dòng họ Hoàng. Cuộc gặp giữa tôi và chị Phước thật xúc động. Biết bao đổi thay bây giờ được hiện lại qua câu chuyện gặp gỡ này. Có lúc tôi như muốn khóc òa lên vì những tình tiết xúc động đã diễn ra trong gia đình ông bà mà tôi không được biết.

Hình : Tôi và chị Hoàng Thị Phước( 74 tuổi)  tại Diễn Tiến ( nay thuộc đội 11 xã Diễn Thành), Diên Châu ( nơi tôi ở  trọ học cấp III từ năm 1960-1963) - ảnh ông Hoàng Độ chụp 3-2009


Hình:Tôi ghi chép những lời kể của chị Hoàng Thị Phước về những biến động trong gần 40 năm qua ( 1970-2009) tại ngôi nhà này. Lần nay từ Nha Trang về thăm lại gia đình. ( ảnh ông Hoàng Độ chụp 3-2009).
 Những người bạn học cấp 3 thân mật  nhất là anh Trần Chí Liêm ( cùng xã, cùng nhà trọ, học hơn 1 lớp )Thái Bá Ngữ  ( quê Diễn Lợi, Diến Châu), Cô Võ Thị Khoa (quê Diễn Hồng, Huyện Diễn Châu), Nguyễn Thị Sương (quê Hoa Thành, Yên Thành), Thái Duy Định ( cùng xã với tôi). Hoàng Thắng ( anh con Bác ruột ), Nguyễn Bàng ( cùng xã với tôi ) anh Nguyễn Chương  ( Nhân Thành , Yên Thành ).v.v... Hồi ấy có các bạn học sinh người miền Nam như anh Thông, anh Phòng, anh Tưởng. v.v...chúng tôi chơi  khá thân mật với các bạn vì đất nước chia cắt anh em phải xa quê hương, thiếu thốn tình cảm.
Đặc biệt bộ ba chúng tôi là tôi, Thái Bá Ngữ và Võ Thị Khoa thành một nhóm học tập với nhau tai khu nhà trọ ( cả 3 cùng ở trọ để học). Sau khi tốt nghiệp câpIII, tôi vào Đại học Sư Pham Vinh, anh Thái Bá Ngữ và cô Khoa vào 10+2  và ra dạy cấp 2, còn tôi  ra dạy trường SP Cấp2, 10+3 ( Hà Tĩnh),CĐSP Nha Trang, và CV Sở GD-ĐT Tỉnh Khánh Hòa. Do hoàn cảnh nên chúng tôi mỗi người một nơi không liên hệ được vơi nhau. Tôi hỏi qua bạn bè biết được một số thông tin về nơi công tác của  2 bạn . Tình cờ năm 2001 tôi đi coi thi học sinh giỏi quốc gia tại Lào Cai gặp được anh Thái Bá Ngữ, Sau 42 năm từ 1963-2001, anh em chúng tôi gặp nhau tại Lào Cai thật xúc động. Biết bao câu chuyên cuộc đời riêng tư đều kể lại cho nhau nghe. Chúng tôi chụp ảnh làm kỷ niệm, tặng quà lưu niệm cho nhau sau bao năm xa cách.v.v...


  Tôi và người bạn thân học cấp3 Thái Bá Ngữ gặp nhau tại Lào Cai 3-2010 (ảnh chụp hai chúng tôi đang đứng trên khách sạn Lào Cai nhìn về Hà Khẩu Trung Quốc- bên phải ảnh- và con sông Hồng đoạn chảy qua Lao Cai và Hà Khẩu Trung Quốc)

Tháng 3-0210, tôi về quê và đến nhà cô Võ Thị Khoa thăm người bạn gái năm xưa tại xã Diên Hồng, Huyên Diễn Châu.  Tôi không gặp được người bạn gái thân yêu năm xưa  mà chỉ gặp được người con trai đầu lòng tên là Tuấn mở xưởng sữa chữa ô tô mặt tiền đường quốc lộ số 1 thuộc xã Diễn Hồng với tên xưởng là " Tuần Ô TÔ ".  Qua thông tin nhanh từ anh Tuấn tôi được biết cô Khoa đang sống tại tu Viện Tây Ninh và số điện thoại của Tu Viện , Vì bí mật riêng tư tôi cũng không hiểu sao lại có sự đặc biệt này (?).  Nhiều lần điện thoại nhưng vì nhiều lý do khác nhau tôi chỉ gặp được các nữ tu sĩ nói qua điện thoại mà  hai chúng tôi chưa gặp nhau được trên điên thoại!!!.
Tôi nhớ một kỳ thi tốt nghiệp cấp III hồi 1963 mà không bao giờ quên. Vừa thi viết vừa thi vấn đáp. Năm đó trường cấp III Diến Châu chỉ đậu chính thức 30%, sau đó Bộ GD cho thi lần 2. Năm đó, tôi thị tốt nghiệp trót lọt lần đầu.
Những năm tháng  học cấp 3 chúng tôi thi đua nhau học tập, một không khí học tập mà đến bây giờ tôi vẫn thấy tự hào. Sách tham khảo còn hiếm lắm, chúng tôi tìm mượn nhau tài liệu rồi ghi chép vào cuốn sổ tay  những công thức toán, lý, hóa, nhưng đoạn văn hay, những câu  thơ hấp dẫn, những sự kiện lịch sử của đất nước và thế giới quan trọng đều được ghi chép cẩn thận làm cẩm nang học tập. Các thầy cô giảng dạy rất nhiệt tình. Tôi không thể quên những hình ảnh các thấy câp III như thầy Nhượng ( Hiệu Trưởng) Thầy Ban ( phó Hiệu trưởng),  Thầy Trác, thầy Khiêm, thầy Ất, cô Lan, thầy Uyên, thầy Viễn, thầy Hỷ,Thầy Đỉnh ( chủ nhiệm, day môn sinh học  tôi  3 năm học cấp III) v.v..  Đặc biệt thầy Trác dạy toán rất giỏi, học sinh nào được học thầy là một điều hạnh phúc. Thầy luôn tìm các bài toán hay về cho học trò giải. Thầy sưu tầm những bài toán có lời giải hay dán lên báo tường cho chúng tôi xem, ghi chép làm tư liệu học tập. Nhiều bài toán đã có cách giải hay nhưng thầy còn có  nhiều cách giải khác. Có lẽ trong đời ngồi trên ghế nhà trường từ cấp I đến cấp III tôi chưa gặp thầy giáo nào có trình độ hiểu biết cao, rộng về môn toán và nhiệt tình với học sinh như thầy Trác.
Những năm tháng trên giảng đường Đại học: năm 1963 tôi vào trường Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An. Năm đó tôi còn nhớ những người bạn hỏng thi, đúng như cha ông nói " không gì buồn bằng hỏng thi". Có nhiều bạn học khá, thậm chí học giỏi nữa là đàng khác nhưng vẫn thi hỏng đại học. Khuôn mặt buồn rười rượi, hằn lên trán nổi khổ đau vì công sức , tiền gạo 3 năm trời  học trọ mà kết quả đem lại con số không .Vì vậy,  ông cha lại có câu " Học tài thi phận" quả không sai. Tôi nhớ như in đến bây giờ là 57 năm ( 1963-2010 ), có anh Sỹ người Nam Thành, Yên Thành học tại cấp III Diễn châu với tôi; anh giỏi toán lắm, nhiều bài toán thầy Trác giao cho anh giải, thay thầy trình bày ,hướng dẫn chúng tôi giải tại lớp luôn, thế mà anh thi hỏng ngay năm đó, năm sau anh mới đậu đại học Thủy Lơị. Nói vậy, để thấy rằng tôi đậu năm đó thật vô cùng mừng rỡ. Kết quả đó  đã giải tỏa nỗi lo lắng hỏng đại học bao trùm lên tâm trí tôi từ năm tháng ngồi  ghế nhà trường cấp III, nhất là năm cuối cấp ( lớp 10), Cầm mảnh giấy báo Đại Học  trên tay tôi cứ rung rung vì quá xúc động. Mảnh giấy báo này đã phần nào đền đáp xứng đáng công lao cha mẹ tôi chắt chịu từng hạt gạo cho con học hành kiếm một nghề để sống. 
Tôi là sinh viên khóa 5 trường Đại học sư pham Vinh. Trường đặt tại xã Hưng Dũng, Huyên Hưng Nguyên, Nghệ An. Trường gồm 4  nhà tầng khá khang trang so với thời bấy giờ ( Nhà A,B,C,D ). Thầy hiệu trưởng hồi đó là Nguyễn Thúc Hào ( quê Nam Đàn ), Hiệu phó thầy Linh. Nhà A dùng làm phòng thí nghiệm, thư viên, nhà B và C sinh viên ở, nhà D dành cho các thầy,cô, CBCNVC của nhà trường ăn ở sinh hoạt gia đình.
Tôi đậu vào khoa sinh học. SV của trường Vinh hồi đó gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị ( sông Bến Hải trở ra) và còn một số sinh viên tỉnh khác như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Hải Phòng.v.v...Đặc biệt có anh em sinh viên là người miền Nam khá đông. Anh em người miền Nam được Đảng và Nhà nước rất quan tâm tạo điều kiện khá đầy đủ cho anh em học tập, sau này về Miền Nam phục vụ quê hương.
Các thầy khoa sinh tôi học gồm có: Thầy Hồng ( dạy Hình thái Thực vật), thầy Nhã ( dạy Phân loại TV), thầy Khang( dạy ĐV không xương), thầy Tự( ĐV có xương), thầy Hoàng ( ĐV vật có xương), thầy Phiên (Tiến hóa).thầy Liễu ( kỹ thuật NN ).v.v...
Hồi ấy chúng tôi được Nhà nước cấp học bổng. Phần lớn được cấp học bổng toàn phần 15 đồng/tháng, một số ít anh em con nhà giàu chỉ được 1/2 mức chúng tôi.
Kể từ ngày vào Đại học nhờ tiền học bổng nên bố mẹ tôi không phải  cung cấp kinh phí nữa. Tất nhiên nếu có thêm thì tốt nhưng mình con  nhà nông nghiệp, đồng tiền khó khăn, nên tôi chi tiêu dè xẻn cũng tạm đủ. Một kỷ niệm vui, khi tôi vào học Đại học Vinh thì gặp lại thầy Khương dạy văn,chủ nhiêm tôi hồi học câp II Yên Thành. Thầy vào học Đại học Khoa Văn. Thỉnh thoảng tôi lại đến phòng học của thầy chơi.
Chúng tôi học trong không khí thời bình được 2 năm, đến năm thứ 3 ( 1965 ) máy bay Mỹ bắt đầu ra đánh phá miền Bắc. Tôi còn nhớ hình ảnh đầu tiên một chiếc Mic F05 của không quân Mỹ bay từ Hạm đội 7 vào thành phố Vinh qua trường Đại học sư Pham Vinh như một mũi tên lao vút   qua  bầu trời trông thật khủng khiếp. Những ngày sau đó một không khí chiến tranh leo thang ra miền Bắc của Mỹ đã bao trùm lên tâm trí mọi người. Mỗi lần máy bay Mỹ cách xa TP Vinh khoảng 100km tiếng còi nhà máy điện Vinh rú lên kéo dài báo đông để moị người ra hầm trú ẩn. Năm cuối của  khóa 5 Đại học sư phạm Vinh một không khí học tập thật căng thẳng vì máy báy Mỹ tấn công ra miền Bắc. Tháng 2,3,4  năm 1966 trường phải sơ tán về  Huyện Nghi Lộc cách TP Vinh 15 km. Một kỷ niệm vui khi tôi đi thực tập sư phậm tốt nghiệp tai cấp III Huyện Nam Đàn I, gặp thầy Thể GV cũ dạy sử học tôi hồi cấp II Yên Thành. Tôi lại được thực tập làm chủ nhiệm lớp thầy nên vô cùng thuận lợi. Thầy hướng dẫn tôi tận tình trong công tác thực tập chủ nhiệm. Sau đợt thực sự pham chúng tôi phải ra  Huyện Hà Trung Thanh Hóa học tiếp những tháng cuối cùng của khóa học. Khoa Sinh chúng tôi sơ tán tại xã Hà Vân, huyện Hà Trung ( cách cầu Cừ nằm trên trục quốc lộ 1 thuộc địa phận  Thanh Hóa) chừng 2km về phía đông )

Vào tháng 7-1966 tôi tốt nghiệp và chia tay thầy cô, bạn bè và gia chủ  ( Tôi ở trọ tại nhà anh Thảo) tại Hà Vân, Hà Trung, Thanh Hóa. Nhớ mãi những hình ảnh anh em chúng tôi bùi ngùi xúc động trong giờ phút chia tay. Vì rồi đây mỗi người mỗi phương trời không biết bao giờ lại gặp nhau.
Tôi và người bạn Thái Duy Định ( khoa Hóa , người cùng xã, cùng học đại học, học cấp III, cấp II ) tạm biệt bạn bè trở về quê Yên Thành,  Nghệ An. Khoảng 19h tôi 2 anh em chúng tôi trên vai ba lô cuốc bộ từ Hà Trung,Thanh Hóa về Yên Thành Nghệ An với khoảng đường 120km . Đúng 8h sáng ngày hôm sau  tôi và anh Định về đến nhà.  Sau 01 tuần lễ tại quê nhà tôi lại ra  trường Đại học sư phạm Hà Nội học 01 tháng quân sự. Lớp huấn luyên quân sự cho chúng tôi gồm các sĩ quân quân đội tại Sơn Tây về tập luyện. Những ngày học quân sự tại Hà Nội tuy mệt nhưng đã trang bị cho tôi những hiểu biết về chiến tranh nhân dân, kỹ thuật cơ bản của lính bộ binh đánh ở các địa hình khác nhau, kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí như súng và lưu đạn, kỹ thuật tay không bắt địch v.v... Khóa học có tổ chức bắn đạn thật bằng súng trường. Tôi được điểm cao và cấp giấy chứng nhận "Xạ thủ Củ Chi" của quân sự hồi đó. Bộ GD giao cho Thứ trưởn Võ Thuần Nho theo dõi chỉ đạo việc học tập quân sự của chúng tôi.
Đùng ngày 2-9-1966 chia tay các bạn học quân sự ,tôi rời Hà Nội và cầm quyết định của Bộ GD về công tác tại Ty GD Hà Tĩnh.
Thời gian đào tạo  từ khóa tôi trở đi 3 năm sau đó 4 năm. Đến năm 1988 tôi lại trở về Vinh học bổ túc để hoàn chỉnh hệ 4 năm. Ngày đó tôi về thăm các thầy cô giáo cũ, bạn học với tôi cùng lớp được ở lai giảng dạy:  anh Tam ( quê Nam Yên, Nam Đàn), anh Châu ( quê Nam Đàn ), anh Minh ( quê Thanh Hóa).v.v... Vê trường cũ nhìn  khu nhà B tôi ở ngày xưa bị sập một dầu do bom Mỹ ném xuống trong thời gian 1966-1967 mà lòng quặn đau. Tuy 3 năm nhưng biết bao kỷ niệm đã ăn sâu trong tình cảm của tôi. Sau này trường dời về đia điểm mới gần Bến Thủy xây dựng cũng khang trang hiện đại.

Những kỷ niệm  về năm tháng trên ghế nhà trường phổ thông và Đại học không thể nói hết được. Trên trang viết blog này  em xin kính chúc các thầy cô cùng gia đình hạnh phúc, vui khỏe bên con cháu. Chúc các bạn cùng
học với Từ những năm phổ thông và Đại học lới chúc sức khỏe và hạnh phúc, vạn sự như ý


Hoàng Từ chào các thầy cô và các bạn ( ảnh chụp tại bờ biển Nha Trang 4-5-2010 )
Địa chỉ của Từ
Mạil: hoangtukhang2003@yahoo.com
Blog: vn.360plus.yahoo.com/hoangtukhang2003


















































0 nhận xét:

Đăng nhận xét